Doanh nghiệp chủ động tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA

.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch hội nhập, tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, chủ động nguồn nguyên liệu... để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, xác lập được một hệ thống phòng ngừa rủi ro nhằm sẵn sàng tham gia và tận dụng tốt lợi thế mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại.

Nếu tận dụng tốt, hiệp định EVFTA sẽ mang lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu.  Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Vinafor, đơn vị có thâm niên trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ. Ảnh: KHÁNH HÒA
Nếu tận dụng tốt, hiệp định EVFTA sẽ mang lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Vinafor, đơn vị có thâm niên trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ. Ảnh: KHÁNH HÒA

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn thành phố như: Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung… đều có những kế hoạch dài hạn để có thể tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại. Đối với Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, đơn vị chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản của thành phố thì EVFTA đã mở ra cho doanh nghiệp những cơ hội cụ thể để gia tăng thị phần vào thị trường vốn khó tính này.

Trong đợt dịch bệnh vừa qua, sản phẩm của công ty đã thâm nhập được sâu hơn vào nhiều quốc gia ở châu Âu. Trong khi đó, theo bà Trần Như Thiên Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung, trong thời gian này, đơn vị chủ động hoàn thiện các điều kiện cần thiết, nhất là nguồn nguyên liệu… để mở rộng thị trường sang một số nước là thành viên trong EVFTA, dự kiến sớm nhất có thể bắt đầu từ năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ cũng đang nỗ lực để tận dụng được nhiều hơn các cơ hội từ thị trường EU. Ông Trương Phi Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafor Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện từ nguyên phụ liệu, hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế… nên tự tin sẽ đáp ứng được yêu cầu của các đối tác. Ông Cường cũng nhìn nhận, ngoài cơ hội để gia tăng thị trường, hiệp định EVFTA còn mang lại cho doanh nghiệp ngành gỗ cơ hội nhập khẩu một nguồn nguyên liệu, máy móc chế biến gỗ với mức thuế thấp.

Cụ thể, thuế nhập khẩu các loại máy móc này sẽ về 0%, thay vì ở mức 20-30% như hiện nay nhằm phục vụ mục tiêu đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị, đáp ứng đúng tiến độ đơn hàng.

Ở lĩnh vực dệt may, ngày 31-8 vừa qua, xí nghiệp may Duy Trung (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam) thuộc Công ty CP Dệt may 29-3 đón nhận tin vui khi được Hội đồng công trình Xanh Việt Nam cấp giấy chứng nhận dự án đã đáp ứng các tiêu chí về công trình xanh được đặt ra trong Hệ thống Lotus BIO V1.1 và đạt mức chứng nhận công trình xanh.

Điều này đồng nghĩa với việc Công ty CP Dệt may 29-3 đã chủ động trang bị cho mình một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu khi muốn tham gia sâu vào thị trường châu Âu. Đó là sản xuất phải gắn chặt với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 Huỳnh Văn Chính nhấn mạnh, hiện nay những doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may nước ta đã có sự chủ động để tham gia và tận dụng lợi thế từ hiệp định EVFTA và Công ty CP Dệt may 29-3 cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. “Bài toán nan giải nhất mà chúng tôi cần tính đến là giải quyết về nguồn đầu vào nguyên liệu.

Theo quy định của hiệp định EVFTA, nguyên liệu phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc từ các nước có tham gia vào hiệp định. Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 60-70% nhu cầu. Để chủ động hơn về nguồn cung, bên cạnh việc nâng cao năng lực các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ nguồn nguyên phụ liệu, chúng tôi cũng mở rộng việc tiếp cận các bạn hàng là thành viên trong EVFTA…”, ông Chính cho biết.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của hiệp định EVFTA đối với ngành xuất khẩu nói riêng, phát triển kinh tế thành phố nói chung, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn.

Theo đó, lộ trình thực hiện chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 8 đến hết năm 2020), tập trung rà soát, ban hành các văn bản cần thiết để triển khai thực hiện hiệp định EVFTA trên địa bàn thành phố theo hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương; quán triệt về sự cần thiết và lợi ích của việc thực hiện hiệp định EVFTA trong toàn bộ các sở, ban, ngành của thành phố; tổ chức các hoạt động tuyên truyền có hệ thống, nội dung chuyên sâu, mang tính cấp thiết với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân; ưu tiên các hình thức hội thảo, tập huấn, đào tạo trực tuyến, bản tin hội nhập EVFTA định kỳ và theo thị trường... trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường các nước trong Liên minh châu Âu (EU), nhu cầu và xu thế chuyển dịch thương mại và đầu tư của EU, trong và sau Covid-19; tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và các chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp để khai thác lợi thế từ hiệp định EVFTA.

Giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến năm 2025), tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, các hiệp hội, các hội có liên quan nhằm tạo một cầu nối tốt cho các doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp thực thi hiệu quả hiệp định EVFTA; tổ chức tọa đàm chuyên sâu giữa chuyên gia kinh tế với các doanh nghiệp, trao đổi, giải đáp các vấn đề vướng mắc, thủ tục hành chính khi thực hiện hiệp định EVFTA; có cơ chế đánh giá chất lượng và hiệu quả của việc tập huấn, đào tạo; tiếp tục triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, các ngành hàng; tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng có thế mạnh của thành phố.

Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp thông qua hợp tác giữa Đà Nẵng và các địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước EU; đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội, tăng cường công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ở góc độ ngành hàng, hiệp định EVFTA sẽ giúp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành như: thủy sản, gỗ, dệt may, chế biến chế tạo, logistics… sang thị trường châu Âu dự kiến đạt kết quả tăng trưởng cao. Đây vốn là những ngành xuất khẩu chủ lực, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.