Hướng đến đô thị sinh thái

.

Đô thị sinh thái là mô hình đô thị tiên tiến, được khuyến khích xây dựng ở Việt Nam và sẽ là sự lựa chọn đúng đắn trong tiến trình mới xây dựng thành phố Đà Nẵng, như là một giải pháp bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai.

Cấu trúc núi - sông - biển tạo lập bản sắc độc đáo cho đô thị Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng nhìn từ quận Hải Châu.Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cấu trúc núi - sông - biển tạo lập bản sắc độc đáo cho đô thị Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng nhìn từ quận Hải Châu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Quan điểm xây dựng thành phố Đà Nẵng được nêu rõ tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm…”. Từ quan điểm này, nên chăng thiết lập những giải pháp cụ thể theo nguyên tắc mang tính định hướng.

Theo đó, phải gìn giữ sự đa dạng sinh học, hài hòa với các chu trình của tự nhiên. Việc nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học thông qua bảo vệ các yếu tố tự nhiên đã trở thành thành phần không thể thiếu để tạo lập cấu trúc không gian đô thị.

Chủ trương tăng cường các lối xuống biển hay tạo ra các không gian mở hướng sông là những giải pháp có ý nghĩa quan trọng cần được phát huy nhằm giúp tăng khả năng tiếp cận nguồn năng lượng tự nhiên, tăng cường khả năng hòa nhập để người dân và du khách cảm nhận được không gian cảnh quan một cách trọn vẹn hơn, cũng chính là duy trì sự đa dạng sinh thái. Chúng ta cần coi trọng tự nhiên, bảo tồn các nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm thông qua việc cân đối giữa đầu vào (tài nguyên, năng lượng, thực phẩm) và đầu ra (chất thải, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ).

Đồng thời, tiếp cận các chu trình sinh thái đô thị để tìm ra biện pháp tạo ra “cơ chế tự điều chỉnh” hoặc “điều chỉnh có điều kiện” một cách hợp lý nhất, thay đổi cách sống đô thị và phương thức sản xuất để làm sao cho các dòng vật chất, nguyên liệu, năng lượng diễn ra trong chu trình khép kín. Việc thành phố khuyến khích người dân, cơ sở sản xuất tái sử dụng nước thải đã qua xử lý vào các mục đích sinh hoạt là giải pháp tối ưu, thay vì bê-tông hóa bề mặt đô thị thì hãy trả lại những cơ hội để nước mưa có thể tự thấm vào đất, nuôi dưỡng hệ sinh thái trong lòng đất, làm tái sinh các mạch nước ngầm.

Đà Nẵng cần bảo đảm tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan. Bài học kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị là các yếu tố tự nhiên luôn là nhân tố đóng vai trò quan trọng tạo lập không gian cảnh quan đặc trưng. Đối với Đà Nẵng, giải pháp quy hoạch nhất thiết phải lấy yếu tố tự nhiên làm chủ đạo, các yếu tố nhân tạo được tạo ra phải được gắn kết một cách hài hòa, không lấn át hay đánh mất giá trị đặc trưng cảnh quan tự nhiên trên cơ sở các nguyên tắc thẩm mỹ, chú trọng tính nguyên vẹn của hệ thống vốn là một cấu trúc hoàn chỉnh.

Cấu trúc núi - sông - biển có thể được xem như là một “đặc sản” không gian đô thị Đà Nẵng mà hiếm có nơi nào hội đủ một cách hài hòa và cân đối đến như vậy. Giải pháp quy hoạch cần phát huy tối đa lợi thế này, đó cũng chính là cơ sở tạo lập bản sắc cho đô thị Đà Nẵng.

Phát triển đô thị phải phù hợp với “ngưỡng” sinh thái  môi trường. Trước hết, quy mô dân số và phát triển kinh tế-xã hội của đô thị cần được giữ ở mức phù hợp với khả năng “chịu tải” của môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, giải pháp quy hoạch, hình thái không gian cảnh quan đô thị được lựa chọn trên cơ sở phân tích sự phù hợp với các nhân tố môi trường như: đất, nước, không khí… Việc tập trung quá mức nhà cao tầng dọc bờ sông, bờ biển không phải là giải pháp tổ hợp không gian tốt. Do đó, việc xác lập một mật độ xây dựng ở mức tối thiểu tại các khu vực bảo tồn thiên nhiên là hết sức cần thiết.

Thành phố cần tăng cường kết nối không gian cảnh quan bằng các giải pháp giao thông “xanh”, duy trì và phát triển hành lang xanh, mảng xanh và hồ điều hòa trong đô thị. Đồng thời, bố trí quy hoạch và xác định quy mô các khu chức năng cảnh quan đô thị (nhà ở, khu làm việc, khu dịch vụ, nơi vui chơi giải trí...) hợp lý để con người giảm bớt đi lại bằng phương tiện cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi để đi bộ và xe đạp. Ngoài ra, cũng cần tăng cường các giải pháp kết nối chức năng, tổ chức hoạt động đô thị khoa học hơn, nghiên cứu khung giờ làm việc phù hợp cho từng đối tượng hay thay đổi nhận thức người dân về sử dụng phương tiện công cộng, trước mắt là đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Việc tổ chức kiến trúc cảnh quan chú trọng đến cây xanh, mảng xanh, hành lang xanh và tất cả được kết nối tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh là cần thiết. Các công viên, vườn hoa, thảm cỏ ven sông, rặng cây phòng chống gió bão ven biển, khu cây xanh cách ly bảo vệ môi trường... là thành phần chức năng không thể thiếu trong các đồ án quy hoạch. Đồng thời, cần tăng cường cây xanh trên các trục lộ giao thông để tạo bóng mát, ngăn chặn tiếng ồn, bụi và tăng cường trao đổi oxy. Diện tích không gian xanh (cây xanh, mặt nước, bầu trời) hài hòa với thành phần chức năng khác của đô thị để tạo cảnh quan và cải thiện điều kiện vi khí hậu; chú trọng tổ chức các hồ điều hòa nơi có nguy cơ ngập lụt để hạn chế ngập úng...

Thành phố cần lựa chọn cơ cấu phát triển ưu tiên mô hình kinh tế “xanh”. Khu công nghiệp sinh thái đang được triển khai thí điểm tại Khu công nghiệp Hòa Khánh cần được sớm hoàn chỉnh và nhân rộng. Việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học đã và đang được quan tâm trong sản xuất công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp xanh là hướng đi mới phù hợp. Kinh tế tuần hoàn đã được đề cập đến không chỉ là môt khái niệm. Kế hoạch phân loại rác tại nguồn cũng như việc xúc tiến đầu tư dự án xử lý rác thải sinh hoạt đô thị với công nghệ tạo ra nguồn năng lượng tái tạo và tận dụng tối đa sản phẩm thứ cấp từ rác là minh chứng mang tính khả thi cho mục tiêu đã đặt ra.

Chúng ta cần thay đổi từ phương thức tổ chức dịch vụ, sản xuất tới thái độ, thói quen, lối sống, cách làm việc, hưởng thụ cuộc sống của con người để phòng, chống Covid-19. Việc ứng dụng và chuyển đổi việc sản xuất, điều hành các khu đô thị mới, các trạm xử lý nước thải, bãi chôn lấp chất thải cũng như phát triển đô thị, kiểm soát nguồn lực tài nguyên, thiên nhiên theo công nghệ số, kinh tế số, AI, về lâu dài sẽ giải quyết tốt tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và các vấn đề đô thị tác động đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố. Lối sống mới, ứng xử văn hóa mới thời cách mạng số sẽ là một trong các tiền đề xây dựng, phát triển đô thị bền vững sau này.

Những nguyên tắc nói trên không chỉ giúp bảo tồn những giá trị cảnh quan tự nhiên, văn hóa, xã hội mà còn tạo nên sự cân bằng và giảm thiểu tối đa mâu thuẫn đối kháng vốn là thực trạng cố hữu của đô thị. Song song với các giải pháp mang tính định hướng, nhất thiết cần có quy chế quản lý đô thị khoa học, chặt chẽ, bảo đảm cho quá trình thực thi quy hoạch. Ngoài ra, cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, bên cạnh các giải pháp mang tính tuyên truyền nâng cao ý thức gìn giữ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đô thị thì nhất thiết phải áp dụng các chế tài cho những hành vi xâm phạm môi trường tự nhiên và cảnh quan đô thị.

TS.KTS TÔ VĂN HÙNG
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.