Bài học khi thuyết trình dự án khởi nghiệp

.

Giữa tháng 11, dự án khởi nghiệp Umbalena của Công ty TNHH Công nghệ VOOC tại quận Hải Châu trở thành startup Đà Nẵng đầu tiên dành ngôi vị quán quân cuộc thi Startup Wheel (Vòng xe Khởi nghiệp) có quy mô toàn quốc. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công này chính là kỹ năng thuyết trình về sản phẩm ngắn gọn nhưng quyết liệt và không kém phần truyền cảm.

Chị Lê Thị Cẩm Trinh thuyết trình về dự án Umbalena tại cuộc thi Startup Wheel 2020.Ảnh: K.NINH
Chị Lê Thị Cẩm Trinh thuyết trình về dự án Umbalena tại cuộc thi Startup Wheel 2020. Ảnh: K.NINH

“Mất điện rồi sao nấu cơm được nhỉ/Cơm vẫn ngon mẹ thổi lửa nấu ngay/Mất điện rồi quạt điện cũng ngừng quay/Để gió mát, bà phất phơ quạt giấy”. Bước ra sân khấu của buổi thi bán kết Startup Wheel, chị Lê Thị Cẩm Trinh, người sáng lập dự án Umbalena, bắt đầu phần thi thuyết trình của mình bằng bài thơ “Một ngày cúp điện”. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 giây, chị Trinh đã giới thiệu những nét cơ bản nhất về dự án Umbalena - thư viện sách điện tử của mình một cách sinh động, đồng thời nhấn mạnh đặc điểm độc đáo của Umbalena là tự sáng tạo nội dung để có những bài thơ, câu chuyện gần gũi với đời sống trẻ em Việt Nam.

Sau phần mở màn, chị Trinh bắt đầu giới thiệu về sản phẩm. “Umbalena” được tạo ra với mong muốn hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày cho trẻ em thông qua kho nội dung trực tuyến được xây dựng một cách bài bản, đúng độ tuổi, đúng sở thích, đúng phương pháp. Chị tiếp tục giới thiệu hình ảnh các độc giả “nhí” của Umbalena sử dụng ứng dụng. Trong số đó, có cả những em bé 7-8 tuổi người Việt Nam được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đang bập bẹ, hào hứng đọc từng bài thơ đơn giản bằng tiếng Việt.

Chị Trinh xúc động: “Chúng tôi từng nhận được những lá thư từ ba mẹ của các bé nói rằng nhờ Umbalena, con của họ “chịu” học tiếng Việt, dù trước đó các bé chỉ quen nói tiếng Anh. Đó là những động lực lớn nhất cho đội ngũ những người làm dự án”. Chị tiếp tục giới thiệu khái quát về mô hình kinh doanh, định hướng phát triển. Bài thuyết trình kết thúc trong vòng 2 phút nhưng đã kịp gây ấn tượng tốt với giám khảo và khán giả.

Chị Trinh cho biết, để soạn được bài thuyết trình 2 phút ấy, chị đã phải suy nghĩ rất lâu, trải qua nhiều va vấp. Ở vòng sơ loại, Umbalena là 1 trong hơn 1.000 dự án khởi nghiệp tại Việt Nam nộp đơn đăng ký dự thi. Mỗi dự án cũng có 2 phút để giới thiệu và thuyết phục ban giám khảo.

Chị kể: “Mình vốn có rất ít kinh nghiệm thuyết trình trước đám đông. Lúc đó, mình mắc phải sai lầm rất phổ biến của các startup ở vòng này là quá chú trọng giới thiệu về khách hàng, các con số kinh doanh, phân tích thị trường... mà không dành đủ thời gian để giới thiệu sản phẩm. Thật ra, ban giám khảo thường là những người có bề dày kinh nghiệm thương trường, họ có thể nắm bắt rất nhanh những yếu tố liên quan đến kinh doanh của một dự án hoặc ý tưởng khởi nghiệp. Cái quan trọng nhất để thuyết phục được họ là sản phẩm, những điểm mạnh nhất, những yếu tố có thể truyền cảm hứng hoặc lay động được trái tim”.

Sau vòng sơ loại với quá nhiều startup thuyết trình... sai hướng, ban giám khảo đành phải nán lại để trò chuyện, tiếp tục tìm hiểu thêm về sản phẩm mà các dự án đang thực hiện. Đến lúc ấy, chị Trinh mới nhận ra bài học của mình và quyết tâm sửa đổi.

Trong vòng thi chung kết (diễn ra vào buổi chiều cùng ngày với vòng bán kết), một lần nữa các dự án lại tiếp tục thuyết trình, nhưng lần này là trước một ban giám khảo mới. Song trong số các giám khảo vẫn có những người đã từng chấm ở vòng thi bán kết, ngoài ra khán giả vẫn là những người “cũ”. Chị Trinh nghĩ, không thể sử dụng lại bài thuyết trình của vòng bán kết vì sẽ khó gây lại ấn tượng, thậm chí còn có phần nhàm chán.

Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, chị soạn một bài thuyết trình mới nhưng vẫn dựa trên tiêu chí phải tập trung giới thiệu về sản phẩm. Mở đầu vẫn là một bài thơ do Umbalena sáng tác. Bài thơ về chú sâu xanh bò lúc lắc, ăn lá cây từ sáng đến tối. Chỉ đơn giản như vậy, nhưng đã từng có những độc giả “nhí” đọc đi đọc lại bài thơ trong nhiều tháng trời. Chị Trinh giải thích những yếu tố mà Umbalena đã đặt vào phần sáng tạo nội dung là các bài thơ phải tươi sáng, có giai điệu, hình ảnh gần gũi với trẻ em. Ở vòng chung kết, mỗi bài thuyết trình có thời lượng 5 phút nên chị nói kỹ hơn về phần kinh doanh, công nghệ...   

Dành ngôi vị quán quân tại cuộc thi, chị Trinh chia sẻ: “Đối với các bài thuyết trình thời lượng ngắn trước ban giám khảo - những người có kinh nghiệm nhưng chưa biết đến dự án của mình, quan trọng nhất là phải giới thiệu những điểm mạnh nhất của sản phẩm. Mình đã tập cách nói ngắn gọn nhưng quyết liệt, truyền cảm. Trong cuộc thi, có rất nhiều dự án cùng lên thuyết trình. Sản phẩm của mình phải tạo được điểm nhấn, nét khác biệt”.

Sau thành công từ Startup Wheel, Umbalena đã mở rộng thêm mạng lưới đối tác từ chính những startup tham gia trong cuộc thi. Thời gian tới, Umbalena sẽ kết hợp với “VoizFM” - dự án sách nói giành ngôi á quân Startup Wheel để cùng mở rộng tệp khách hàng, phát triển kho nội dung, thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam phát triển hơn nữa.

Umbalena là ứng dụng di động giúp phát triển ngôn ngữ và tri thức dành cho trẻ em Việt Nam thông qua kho nội dung gồm hàng nghìn sách tranh trực tuyến bằng tiếng Việt và tiếng Anh được đầu tư xây dựng bài bản bởi các chuyên gia giáo dục và ngôn ngữ. Trước khi đạt ngôi quán quân tại Startup Wheel 2020 - một trong những cuộc thi khởi nghiệp chuyên sâu lớn nhất Đông Nam Á do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức, thu hút sự tham gia của gần 2.000 startup từ 20 quốc gia thuộc 5 châu lục, Umbalena đã lọt vào top 3 dự án xuất sắc nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, đoạt giải cao nhất hạng mục Tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Hiện Umbalena đang được ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.