Chủ động vật tư, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân

.

Thời gian qua, mưa bão trên địa bàn thành phố đã gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, chính quyền địa phương, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân các quận, huyện đang khẩn trương khắc phục thiệt hại, sửa chữa kênh mương, đồng thời chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư để sẵn sàng xuống giống sản xuất, bảo đảm đúng lịch thời vụ của vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Châu 1 đang cày xới ruộng, chuẩn bị cho vụ đông xuân 2020-2021. Ảnh: VĂN HOÀNG
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Châu 1 đang cày xới ruộng, chuẩn bị cho vụ đông xuân 2020-2021. Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang, bão số 9 vừa qua làm trên 2ha ngô, rau màu bị thiệt hại; 2,5ha hoa và 5.000 chậu hoa ở các xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Liên bị hư hỏng; 89,7ha diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm bị ngã đổ, gãy cành; 43.000 bịch nấm bị hư hỏng… Đặc biệt, mưa lũ khiến cho diện tích canh tác, sản xuất lúa trên địa bàn bị ngập trong nước, gần 2.300m3 ruộng bị bồi lấp.

Bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết, UBND huyện cùng các đơn vị đã triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định sản xuất, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn giống, vật tư cho vụ đông xuân sắp đến. Trong thời gian đến, Phòng NN&PTNT huyện sẽ có văn bản đề xuất ngân sách hỗ trợ thiệt hại cho người nông dân.

“Nguồn giống cung ứng, phục vụ sản xuất vụ mùa của bà con trên địa bàn luôn được chúng tôi chủ động từ trước nên việc thiếu hay hụt giống sẽ không xảy ra. Hiện UBND các xã, HTX nông nghiệp trên địa bàn đang tổng hợp nhu cầu mua giống sản xuất của người dân về Phòng NN&PTNT huyện để sớm hoàn thành các thủ tục, giấy tờ với đơn vị cung cấp giống”, bà Ngô Thị Hạnh cho hay.

Cũng theo bà Ngô Thị Hạnh, để vụ đông xuân 2020 - 2021 đạt hiệu quả cao, huyện đã triển khai hỗ trợ chuyển đổi giống lúa trung ngắn ngày và định hướng cơ cấu giống phù hợp đến nông dân trên địa bàn.

Thực hiện theo Nghị quyết số 105/2017/NQ-HĐND  của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX về vấn đề hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất trong giai đoạn 2017-2020, giá lúa giống được huyện triển khai đến nông dân là 7.000 đồng/kg. Phần chênh lệch giữa lúa giống và lúa thịt theo giá thị trường được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Được biết, những giống lúa được cơ cấu phù hợp với điều kiện sản xuất với vụ đông xuân trên địa bàn huyện gồm: J02, HN6, ĐT100, VNR20, VNR88, Hà Phát 3, Hương Châu 6, HT1. Qua theo dõi thử nghiệm, các giống lúa này có chất lượng, năng suất cao hơn giống lúa cũ, khả năng chống chịu với sâu bệnh mạnh hơn và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân.

Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 phấn đấu nâng năng suất thu hoạch lúa vụ đông xuân năm nay cao hơn vụ hè thu vừa qua. Ảnh: VĂN HOÀNG
Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 phấn đấu nâng năng suất thu hoạch lúa vụ đông xuân năm nay cao hơn vụ hè thu vừa qua. Ảnh: VĂN HOÀNG

Ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 cho hay, so với mọi năm, trong vụ đông xuân 2020 - 2021, nông dân gặp nhiều khó khăn do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Dù vậy, HTX vẫn triển khai, phổ biến đến nông dân các vấn đề về cơ cấu giống, bố trí giống phù hợp trên địa bàn xã, phân trà gieo sạ (lịch gieo các giống lúa), dọn dẹp, cày xới, nạo vét kênh mương nội đồng...

“Hiện tại, các loại máy móc, thiết bị đã được bảo dưỡng, sẵn sàng cho việc cày xới. Khoảng đầu tháng 12, HTX sẽ phát động nông dân tập trung diệt chuột. Trong đợt mưa lũ vừa qua, một số kênh mương nội đồng đã bị sạt lở, bồi lấp. Chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai sửa chữa lại, phấn đấu hoàn thành trước ngày 10-12 để tiến hành gieo sạ”, ông Nguyễn Sĩ chia sẻ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Hồng Vân, nhằm chuẩn bị cho vụ đông xuân, Chi cục đã có những kế hoạch, thực hiện việc cơ cấu lại giống lúa, lịch thời vụ phù hợp với điều kiện địa phương để tham mưu cho Sở NN&PTNT; hỗ trợ phân bổ thuốc, bẫy diệt chuột cho các quận, huyện trước khi vào vụ; dự báo sâu bệnh vụ mùa; phân công cán bộ đứng điểm, phối hợp với cán bộ khuyến nông chỉ đạo sản xuất tại địa phương; tiến hành sửa chữa hệ thống bẫy đèn để việc dự báo sâu bệnh được kịp thời, hiệu quả.

“Vào đầu vụ mùa, chi cục luôn có quy trình hướng dẫn sản xuất cụ thể, phù hợp với địa phương. Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị cho vụ đông xuân vẫn đang được đơn vị khẩn trương thực hiện”, ông Phạm Hồng Vân cho biết thêm.

Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Nguyễn Phú Ban cho biết, trước tình hình mưa lũ đang diễn ra, ngành nông nghiệp tập trung toàn lực để khắc phục hậu quả, thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp nông dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Đối với những vùng đất cao, không ngập úng, nông dân cần tập trung sản xuất các loại rau màu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Tại các cánh đồng lúa chuyên canh, sau khi nước rút, người dân cần nhanh chóng cải tạo, vệ sinh đồng ruộng, cày xới đất để kịp tiến độ sản xuất lúa vụ đông xuân theo đúng lịch thời vụ.

Thời gian đến, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để xác định và định hướng đưa ra các khuyến cáo về sử dụng giống lúa phù hợp với địa phương, qua đó tạo đột phá về năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong vụ đông xuân.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích