Đà Nẵng trở thành đô thị lớn của miền Trung

.

Từ một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (trước năm 1997) với không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đến nay, hạ tầng đô thị Đà Nẵng được đầu tư tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả, đã và đang tạo ra động lực cho sự phát triển của thành phố.

Sự đầu tư phát triển hạ tầng làm diện mạo đô thị Đà Nẵng ngày càng hiện đại. 			                  							    		                  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Sự đầu tư phát triển hạ tầng làm diện mạo đô thị Đà Nẵng ngày càng hiện đại. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết số 33/QĐ/TW giao nhiệm vụ xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế, trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng, một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học - công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.

Trước đó, ngày 17-6-2002, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 465/QĐ-TTg về phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2020; trong đó xác định: Đà Nẵng là một đô thị trung tâm cấp quốc gia và trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Dựa trên những cơ sở mang tính chiến lược này, thành phố Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt dự án cùng lúc khiến cả đô thị như một công trường. Hầu như tất cả các khu vực có đất trống trong đô thị đều được triển khai các dự án. Toàn bộ hai dải ven biển phía đông và Vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới, hình thành các tuyến đường ven biển, các khu đô thị mới, các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Các xóm nhà chồ trên sông Hàn với hàng nghìn hộ dân được giải tỏa toàn bộ để hình thành tuyến đường ven sông cùng các khu phố mới. Các cây cầu hiện đại lần lượt được bắc qua sông. Các khu vực nông thôn cận đô thị hình thành các khu đô thị mới, khu tái định cư khang trang.

Hiện nay, diện tích đô thị Đà Nẵng đã lên tới hơn 20.000ha, gấp gần 4 lần diện tích cũ. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ với các khu dân cư mới được quy hoạch khá bài bản; các khu phố cũ được cải tạo, nâng cấp. Đặc biệt, các cơ sở kinh tế lớn như các khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật đầu mối được định hình rõ nét. Theo đó, hạ tầng đô thị có khả năng cung cấp các dịch vụ đô thị ở mức bảo đảm.

Qua hơn 22 năm phát triển, đô thị Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc cả về không gian, chất lượng hạ tầng, kinh tế-xã hội. Sự thay đổi nhanh chóng đó đã biến Đà Nẵng từ vị thế một thành phố trực thuộc tỉnh, trở thành một đô thị lớn của miền Trung. Là đô thị trẻ, có lợi thế rất lớn về điều kiện tự nhiên và tính kết nối hạ tầng đầu mối trong mạng lưới đô thị quốc gia, Đà Nẵng có thêm bệ phóng phát triển khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở ra một tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Đà Nẵng có cơ hội lớn vươn ra biển rộng.

Tại cuộc làm việc với Thành ủy Đà Nẵng ngay sau khi UBND thành phố ký kết gói thầu tư vấn quốc tế về điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong sự kiện “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã đánh giá: “Sau hơn 16 năm kể từ khi được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương (năm 2003), thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và ấn tượng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, trở thành một đô thị có tốc độ đô thị hóa rất cao và có một số chỉ tiêu phát triển đô thị trong tốp đầu của cả nước. Với nền tảng này và sự quyết tâm, năng động, sáng tạo, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, chắc chắn Đà Nẵng sẽ sớm trở thành một đô thị giữ vai trò động lực, cực tăng trưởng của khu vực, cả nước và có tầm vóc quốc tế, một thành phố đáng sống và có sức thu hút lớn với các nhà đầu tư”.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Tùng Lâm cho rằng, quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng trên nền tảng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã làm nên yếu tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Theo đó, khu vực đô thị không chỉ tạo tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch mô hình và cơ cấu tăng trưởng trong dài hạn, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hiện tại và bước vào thời kỳ phát triển mới.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.