Nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng

.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 1 trong 3 cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước và là cửa ngõ giao thông hàng không quốc tế quan trọng khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây sản lượng hành khách thông qua cảng không những vượt công suất thiết kế mà còn vượt quy hoạch hơn 2,5 triệu lượt khách/năm. Do đó, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng thêm sân đỗ máy bay là cần thiết.

Một góc đón khách của nhà ga T1, sân bay Đà Nẵng. 		  Ảnh: THÀNH LÂN
Một góc đón khách của nhà ga T1, sân bay Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phục vụ khoảng 326 lần máy bay cất hạ cánh, dịp cao điểm lên tới 360 lần. Năm 2019, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phục vụ hơn 15,5 triệu lượt khách với hơn 98.700 lượt/chuyến bay cất hạ cánh, vượt quy hoạch là 2,5 triệu lượt khách/năm (quy hoạch dự kiến năm 2020, sản lượng khai thác hành khách của Cảng hàng không quốc tế là 13 triệu lượt khách/năm).

Vì vậy, ngày 19-10 vừa qua, việc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã tổ chức khởi công xây dựng dự án mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc giai đoạn 2 - Cảng hàng không quốc tế  Đà Nẵng, được xem là bước khởi động khắc phục tình trạng quá tải ở đây. Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, một trong những nội dung quan trọng của dự án là thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, sớm thi công các dự án che phủ bề mặt để tránh xói mòn, tái nhiễm dioxin tại khu vực này. Bên cạnh đó, dự án còn tái sử dụng 44.000m3 đất sau xử lý dioxin và 11.000m3 vật liệu là bê-tông xốp (LWIC) đã được nghiền nhỏ thành các kích thước hạt rời cũng như các khối vật liệu khác cần xử lý tại chỗ, không được mang đi nơi khác nhằm bảo đảm môi trường và tiết kiệm chi phí đầu tư dự án.

Du khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Du khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Việc nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đồng nghĩa với việc hoàn thiện hệ thống giao thông, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ngành du lịch của thành phố. Cùng với việc nâng cấp sân bay, chính quyền thành phố đã và đang triển khai các kế hoạch cụ thể, kết hợp với các hãng hàng không nhằm mở thêm đường bay hoặc tăng chuyến tới sân bay quốc tế Đà Nẵng trong thời gian vừa qua. Cụ thể, Đà Nẵng đang đẩy mạnh các hoạt động song song, bao gồm: tăng cường đầu tư cơ sở lưu trú, các điểm du lịch; phát huy sản phẩm du lịch địa phương để thu hút du khách.

Đồng thời triển khai xúc tiến kích cầu du lịch, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao để tạo sự khác biệt, nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh của điểm đến Đà Nẵng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm; tăng cường khai thác du lịch đường thủy. Bốn nhóm sản phẩm chủ lực được xác định gồm: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (M.I.C.E); du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, các hãng hàng không…

Không dừng lại ở đó, thành phố đang kiến nghị Trung ương sớm đồng ý chủ trương mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đề xuất này là điều dễ hiểu, khi sân bay hiện quá tải, không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trong khi đó, theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có lượng hành khách thông qua cảng đạt 28 triệu lượt khách/năm, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 200.000 tấn/năm.

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là Cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Theo tìm hiểu, hiện ACV đã chuẩn bị sẵn kinh phí để đầu tư xây dựng Nhà ga T3 (khoảng 5.000 tỷ đồng) với công suất khai thác 10-15 triệu lượt  khách/năm và đầu tư xây dựng ga hàng hóa (khoảng 300 tỷ đồng) với công suất khai thác 80.000 - 100.000 tấn/năm. Thế nhưng, để đầu tư Nhà ga T3, trước hết phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Đây là một trong những vướng mắc mà Nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng chưa thể triển khai.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Lê Văn Trung cho hay, ngành GTVT đang tích cực phối hợp Cục hàng không Việt Nam lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng Nhà ga T3, bảo đảm tổng tiếp nhận của sân bay lên 30 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa công suất 100.000 tấn/năm, có khả năng mở rộng đến 200.000 tấn/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác.

Trong bối cảnh hoạt động khai thác đã vượt quá công suất thiết kế, việc triển khai mở rộng sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là rất cấp thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cảng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, du lịch, đầu tư của thành phố Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây nguyên. Đồng thời, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần tăng năng lực khai thác hoạt động bay của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, thúc đẩy kết nối giữa Đà Nẵng với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các nước trong khu vực; khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.