Nỗ lực thi công các công trình trọng điểm

.

Những ngày này, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhà thầu huy động máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, phấn đấu về đích đúng tiến độ đề ra.

Đội ngũ kỹ sư, công nhân đang thi công công trình Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2). 					              Ảnh: THÀNH LÂN
Đội ngũ kỹ sư, công nhân đang thi công công trình Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2). Ảnh: THÀNH LÂN

Tại công trình triển khai dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà, hạng mục Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2), các đơn vị đang nỗ lực thi công bảo đảm tiến độ. Hạng mục tuyến cống hộp thoát nước từ trạm xử lý ra âu thuyền Thọ Quang thi công đạt 90% khối lượng. Riêng hạng mục tuyến cống bao thu gom nước thải và thoát nước mưa, bao gồm việc thi công khoan kích ngầm để lắp đặt tuyến cống đang bị chậm tiến độ.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, đại diện liên danh nhà thầu thi công dự án, do ảnh hưởng của Covid-19 nên tiến độ sản xuất, nhập khẩu thiết bị khoan kích từ châu Âu bị chậm; đến cuối tháng 10-2020, thiết bị mới được nhập về công trình. Bên cạnh đó, các chuyên gia nước ngoài chưa thể qua Việt Nam để chuyển giao công nghệ, hướng dẫn thi công, cộng thêm tình hình thời tiết mưa bão diễn biến phức tạp vừa qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Tương tự, tại dự án tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, giá trị thi công thực hiện mới đạt 159,7/316,8 tỷ đồng, tương đương 51% giá trị hợp đồng. So với thời điểm hơn 1 tháng trước đây (tháng 10-2020), hiện tiến độ không thay đổi do mưa bão kéo dài nước dâng cao, các đơn vị không thi công được.

Đáng chú ý là dự án tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1), giá trị thi công thực hiện đạt 189/613 tỷ đồng; tương đương 30,8% tổng giá trị hợp đồng. Trong đó, phân đoạn do nhà thầu Cienco 1 đạt 52/318,8 tỷ đồng, tương đương 16,31%; phân đoạn của nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đạt 137,2/294,2 tỷ đồng, tương đương 46,63%; so với kỳ trước (15-9), giá trị thi công đến nay tăng thêm 15,2 tỷ đồng, chủ yếu của Tổng Công ty  Xây dựng Trường Sơn.

Công trình cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý đã thi công trở lại sau dịch và bão lũ.  Ảnh: THÀNH LÂN
Công trình cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý đã thi công trở lại sau dịch và bão lũ. Ảnh: THÀNH LÂN

Tại công trình, hàng chục máy móc chuyên dụng và một lượng lớn nhân công của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đang miệt mài làm việc nhằm bù lại phần tiến độ của công trình bị chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh và mưa bão. Trên công trường dự án, kỹ sư Nguyễn Văn Toàn, cán bộ tư vấn giám sát của chủ đầu tư cho biết, gói thầu của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn có chiều dài 9,551km. Đến thời điểm này đơn vị thi công cơ bản hoàn chỉnh 6,701km, đoạn còn lại vướng mặt bằng.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Lê Văn Lâm, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công trình, chủ đầu tư tiếp tục đôn đốc các đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc và có biện pháp thi công hợp lý bù lại phần tiến độ bị chậm.

Đồng thời, tiếp tục vận động hộ dân tại khu vực dự án bàn giao mặt bằng để thi công cọc khoan nhồi trụ T2 cầu vượt quốc lộ 14B; giải tỏa 11 trường hợp đất xen canh trên địa bàn xã Hòa Phong để thông từ Km2+800 - Km4+100; giải tỏa các phần mộ trên tuyến, ưu tiên đoạn qua xã Hòa Phú để thông tuyến từ Km5+500 - Km7+00 và đoạn qua xã Hòa Ninh để thông tuyến đoạn từ Km17+00 - Km18+00.

Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, được khởi công vào ngày 29-3 vừa qua, thời gian thực hiện hợp đồng 450 ngày. Đến nay, giá trị thi công thực hiện mới đạt 75/535 tỷ đồng; tương đương 14% tổng giá trị hợp đồng. Theo tính toán dự án chậm tiến độ khoảng 4 tháng bởi tác động của Covid-19 và mưa bão kéo dài. Vì vậy, các đơn vị đang chia ca làm việc liên tục góp phần đẩy nhanh tiến độ.

Theo ông Lê Văn Lâm, ngay sau khi Covid-19 bị đẩy lùi và diễn biến phức tạp của bão lũ, đơn vị phối hợp đôn đốc, nhà thầu và địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là trong công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng thi công… để bù lại phần tiến độ bị chậm, nỗ lực đưa công trình về đích theo đúng tiến độ, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, phát triển thành phố.

     THÀNH LÂN

Giá trị xây lắp các công trình trọng điểm

Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng có 5 hợp phần với tổng mức đầu tư 8.241 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 1.917 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Tính đến tháng 10-2020, các đơn vị đã thực hiện được 4.785,6 tỷ đồng, đạt 58,07% tổng mức đầu tư, riêng trong 10 tháng năm 2020 thực hiện đạt 459,7 tỷ đồng.

Dự án Khu Công nghệ cao có tổng mức đầu tư trên 8.841 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng 10-2020, thực hiện được 2.876,5 tỷ đồng, đạt 32,54% trên tổng mức dự kiến đầu tư; trong 10 tháng của năm 2020 đạt 443,9 tỷ đồng. Dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà có tổng mức đầu tư là 1.447 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng 10-2020, thực hiện được 175,4 tỷ đồng, đạt 12,12% so với tổng mức đầu tư; trong 10 tháng của năm 2020, thi công đạt 170,9 tỷ đồng. Dự án Bệnh viện Y học cổ truyền có tổng mức đầu tư 179 tỷ đồng.

Tính từ khi khởi công đến cuối tháng 10-2020, thực hiện được 54,6 tỷ đồng, đạt 30,47% so với tổng mức đầu tư; trong đó thi công trong 10 tháng của năm 2020 đạt 21,9 tỷ đồng. Dự án nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang có tổng mức đầu tư 217,5 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng 10-2020, đã thực hiện được 27,6 tỷ đồng, đạt 12,69% so với tổng mức đầu tư; trong 10 tháng năm 2020 đạt 24 tỷ đồng. Dự án Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 279 tỷ đồng. Tính từ khi khởi công đến cuối tháng 10-2020 đã thực hiện được 124 tỷ đồng, đạt 44,42% so với tổng mức đầu tư; trong 10 tháng qua của năm 2020 thi công đạt 114,6 tỷ đồng”.

TRIỆU TÙNG (Nguồn: Cục Thống kê thành phố)

 

;
;
.
.
.
.
.