Phát triển kinh tế thủy sản bền vững, hướng đến trung tâm nghề cá lớn

.

Thành phố Đà Nẵng đang triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang và tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực miền Trung.

Cảng cá Thọ Quang đang được nâng cấp, mở rộng để hướng đến trung tâm nghề cá lớn.  		       Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cảng cá Thọ Quang đang được nâng cấp, mở rộng để hướng đến trung tâm nghề cá lớn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban, trong những năm qua, thành phố đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản bền vững gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển. Đơn vị đã tham mưu và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương cũng như chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố về phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao năng lực khai thác xa bờ, chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền khai thác hải sản theo hướng vươn khơi.

Cụ thể, đối với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố đã triển khai hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ cho ngư dân khai thác hải sản các vùng biển xa với tổng số tiền hơn 860 tỷ đồng. Cạnh đó, hỗ trợ đóng mới 7 tàu cá, nâng cấp 2 tàu cá công suất từ 800-1.000CV và hỗ trợ bảo hiểm thân tàu hơn 20 tỷ đồng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản, đã hỗ trợ kinh phí hơn 110 tỷ đồng hỗ trợ đóng mới 141 tàu cá có công suất lớn.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có tổng số tàu thuyền hơn 1.250 chiếc (chưa kể gần 430 thúng máy) với tổng công suất hơn 402.150CV, trong đó, tàu cá có chiều dài lớn hơn 15m, khai thác vùng khơi 520 chiếc; số tàu khai thác vùng lộng 415 chiếc và khai thác vùng biển ven bờ 317 chiếc. Sản lượng hải sản khai thác tăng bình quân 2,3%/năm.

Cơ sở hạ tầng nghề cá được đầu tư đồng bộ theo hướng trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực với chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang có diện tích gần 1,6ha, sản lượng thủy sản trao đổi, mua bán tại chợ hơn 110.000 tấn/năm; Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang có diện tích 58ha và hiện có hơn 23 doanh nghiệp chế biến thủy sản phục vụ nội địa và xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản... với giá trị xuất khẩu gần 200 triệu USD/năm...

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ ngư dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, như sử dụng điện năng lượng mặt trời trên tàu cá, nâng cấp hầm bảo quản sản phẩm, lắp đặt hệ thống lạnh trên tàu cá...

Riêng năm 2020, đã hoàn thành việc thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 566 tàu cá, hỗ trợ 2 tàu cá lắp đặt hầm bảo quản sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác từ chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản theo Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố Đà Nẵng.

Các đơn vị chức năng đang triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang thành cảng cá loại 1 cấp quốc gia và hoàn thiện kỹ thuật, môi trường tại khu vực, góp phần tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố. UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc quy hoạch trung tâm nghề cá lớn thành phố Đà Nẵng theo hướng trung tâm thương mại dịch vụ về nghề cá kết hợp với tham quan du lịch.

Ông Nguyễn Phú Ban cho rằng, trong những năm đến, việc khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá là một lĩnh vực mũi nhọn. Thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển khai thác hải sản theo Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND để nâng cao năng lực khai thác và hiện đại hóa nghề cá. Đồng thời tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất - từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao giá trị và lợi nhuận cho ngư dân. Mặt khác, thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang và tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực miền Trung.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang), dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang có tổng mức đầu tư 217,5 tỷ đồng (kể cả nguồn vốn xã hội hóa), trong đó ngân sách Trung ương gần 120 tỷ đồng (đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu như cầu cảng, kè bờ, nạo vét hạ tầng kỹ thuật trên bờ khu nâng cấp và các hạng mục thủy công khu mở rộng); ngân sách thành phố gần 66 tỷ đồng (đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thiết bị trên bờ của khu mở rộng); còn lại là vốn xã hội hóa.

Sau một thời gian thi công, gói thầu xây lắp số 11 của dự án (thi công bến cập tàu cá công suất 600CV, tường chắn, phao báo hiệu) đã đạt 65% khối lượng thi công, dự kiến hoàn thành thi công vào tháng 5-2021. Gói thầu xây lắp số 12 (đường, sân bãi của cảng; nhà tiếp nhận và phân loại thuỷ sản; hệ thống cấp nước và điện, hệ thống thoát nước mưa và nước thải...) đã đạt hơn 42% khối lượng thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2020. Gói thầu xây lắp số 10 (bến cập tàu 600CV, tường chắn, nạo vét trước bến, phao báo hiệu...) vừa được khởi công vào đầu tháng 10-2020, thời gian thi công 20 tháng. Gói thầu xây lắp số 9 (thi công xây dựng các công trình trên bờ ở khu mở rộng) khởi công trong tháng 11-2020, thời gian thi công 24 tháng.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.