Tái cơ cấu thị trường, liên kết phục hồi du lịch

.

Ngày 28-11, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”, hướng đến mục tiêu tìm kiếm giải pháp phục hồi và thống nhất hành động trong kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam phù hợp với diễn biến của Covid-19.

Bàn giải pháp vực dậy ngành du lịch - Các địa phương, doanh nghiệp cho rằng việc liên kết cần đi vào thực chất để có hiệu quả lâu dài.  Trong ảnh: Du khách tham quan tại Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ
Bàn giải pháp vực dậy ngành du lịch - Các địa phương, doanh nghiệp cho rằng việc liên kết cần đi vào thực chất để có hiệu quả lâu dài. TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Cầu Vàng Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cùng khoảng 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn. Về phía thành phố Đà Nẵng có Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Trung Chinh.

Vừa tái cơ cấu, vừa bảo đảm an toàn

Báo cáo đánh giá tình hình du lịch Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, kết quả phát triển vượt bậc của du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt khách lên 18 triệu lượt khách với tốc độ 22,7%/năm. Khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt khách lên 85 triệu lượt khách với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015). Báo cáo cũng chỉ ra rằng, vấn đề hiện nay của ngành du lịch là nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, ngành du lịch quyết tâm thực hiện mục tiêu kép là vừa an toàn phòng, chống dịch vừa phát triển du lịch an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ngành du lịch dù có nhiều khởi sắc nhưng do tác động của Covid-19 đã bị tổn thất nặng nề. Năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm hơn 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, thiệt hại về kinh tế du lịch lên tới 23 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (giữa) đề nghị những người làm du lịch cả nước nắm chặt tay nhau hành động vì sự phát triển chung của ngành du lịch. Ảnh: THU HÀ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (giữa) đề nghị những người làm du lịch cả nước nắm chặt tay nhau hành động vì sự phát triển chung của ngành du lịch. Ảnh: THU HÀ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành du lịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về lượng và chất, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp đã cùng vượt qua khó khăn, đưa ngành du lịch Việt Nam hoàn thành và vượt cơ bản các mục tiêu đề ra trong thời gian qua. Dù chất lượng, hiệu quả du lịch được nâng lên một bước nhưng kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Vì vậy, thời gian tới, ngành du lịch phải bảo đảm chất lượng ở tất cả các phân khúc từ cao cấp đến bình dân, vấn đề liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương cần tập trung ở tất cả các phân khúc này. Vì thực tế cho thấy, những cơ sở kinh doanh lớn, cao cấp rất chú ý đến chất lượng nhưng chất lượng những cơ sở ở phân khúc thấp hơn lại không được quan tâm nhiều, thậm chí có ý kiến nhận định là đi xuống.

Về yêu cầu tái cơ cấu thị trường, ngành du lịch cần chủ động nguồn khách ở các thị trường trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh Covid-19, nhằm khắc phục tình trạng bị động, thiếu định hướng trong phát triển thị trường quốc tế, đồng thời quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phát triển du lịch trước hết phải bảo đảm an toàn, Chính phủ cũng xem xét phát triển du lịch theo hướng mục tiêu kép và tiêu chí an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu; nên số hóa các tài nguyên để phát triển du lịch.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, dù ngành du lịch đã có những tiến bộ trong thực hiện chuyển đổi số nhưng việc triển khai còn chậm, cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa bởi du lịch là ngành cần thiết và có điều kiện để chuyển đổi số rất nhanh. Dựa trên các nền tảng số, du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu trước khi có quyết định đặt phòng, đăng ký tour không chỉ với các doanh nghiệp du lịch lớn mà với nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ, từng sản phẩm, dịch vụ du lịch… “Làm sao để chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Đánh giá cao sáng kiến liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong cả nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý các địa phương cần chú ý hơn nữa đến việc khắc phục bất cập, hạn chế trong phối hợp, kết hợp phát triển du lịch, không chỉ giữa địa phương với nhau mà còn giữa các ngành, các doanh nghiệp, giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước với cộng đồng…; đồng thời đề nghị những người làm du lịch trong cả nước nắm chặt tay nhau cùng hành động vì sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Liên kết để phát triển

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các nội dung như: cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, tập trung vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu. Để sớm phục hồi ngành du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh đề xuất các giải pháp phải vừa giữ gìn điểm đến an toàn, vừa phát triển kinh tế; đồng thời mong Chính phủ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khách sạn, lữ hành, khu điểm du lịch vận chuyển du lịch bằng các chính sách giảm giá điện, khoanh nợ, giãn nợ và cho vay ưu đãi; ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích phát triển du lịch ban đêm; Bộ Công an xem xét thành lập lại văn phòng Cục quản lý xuất nhập cảnh tại Đà Nẵng; đề xuất Chính phủ đầu tư nâng cấp các cửa khẩu thành hệ thống cửa khẩu đường bộ,…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đưa ra các đề xuất để phát triển du lịch trong bối cảnh mới như: cần bảo đảm an toàn trong phòng, chống Covid-19, ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài, phát triển du lịch nội địa; tăng cường quảng bá du lịch nội địa, đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các địa phương trong cả nước; cần biến khó khăn thành cơ hội phát triển; các địa phương tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn năng lực... để tạo tiền đề phát triển du lịch mạnh mẽ khi đại dịch được kiểm soát… Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình chỉ ra rằng, ngành du lịch cần có các chương trình đào tạo phù hợp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, nâng cao tư duy, trình độ đội ngũ nhân lực du lịch về công nghệ thông tin và phát triển du lịch thông minh; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác công nghệ lớn để tận dụng tri thức, nguồn lực phát triển. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong ngành du lịch về sự cần thiết và xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình hiện nay...

Tại hội nghị, đại diện Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã ký kết hợp tác liên kết phát triển.

THU HÀ

Ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn SunWorld (Tập đoàn SunGroup): Tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch

Việc cần làm hiện nay là tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm doanh nghiệp - địa phương - Chính phủ nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương, từ đó tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và mức giá, thu hút du khách đi du lịch và chi tiêu. Cần tạo cơ chế trao quyền dẫn dắt cho địa phương hoặc doanh nghiệp thực hiện các chiến dịch liên kết này.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup: Chuyển đổi số để phát triển với doanh nghiệp du lịch

Chuyển đổi số được cho là vấn đề mang tính sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp trên thế giới. Doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị mới bằng cách ứng dụng công nghệ để thay đổi toàn bộ mô hình quản trị, vận hành cũng như cách thức kinh doanh. Lợi ích từ chuyển đổi số không chỉ đến từ việc tiết kiệm chi phí vận hành, hay đưa ra những quyết sách chính xác và nhanh chóng hơn dựa vào hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực, mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường một cách mạnh mẽ.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Quyền Tổng giám đốc Vietravel: Chú trọng công tác tiếp thị và truyền thông

Để ngành du lịch phát triển hơn nữa, các địa phương cũng như các vùng kinh tế trọng điểm cần chú trọng truyền thông tập trung ở 4 vấn đề gồm: quảng bá các điểm đến an toàn; liên kết xúc tiến quảng bá du lịch cho 5 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Sở Du lịch các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung làm đầu mối tại địa phương để xây dựng các chương trình kích cầu; tăng cường vai trò hỗ trợ du khách...

 

;
;
.
.
.
.
.