Thu hồi vốn từ người vay tín dụng chính sách đi khỏi nơi cư trú

.

Tình trạng người vay vốn tín dụng chính sách đi khỏi nơi cư trú vẫn là “bài toán” khó trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Để giải quyết tình trạng này, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Đà Nẵng đang thực hiện nhiều giải pháp, chú trọng công tác phối hợp với các bên liên quan.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường  phối hợp giữa các bên liên quan để thu hồi vốn vay tín dụng chính sách. TroNG ảNH: Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giao dịch tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu. Ảnh: MAI QUẾ
Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan để thu hồi vốn vay tín dụng chính sách. TRONG ẢNH: Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giao dịch tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu. Ảnh: MAI QUẾ

Theo số liệu của Ngân hàng CSXH chi nhánh Đà Nẵng, tính đến 30-9, toàn thành phố còn 142 khách hàng đi khỏi nơi cư trú với số tiền gốc là 2,45 tỷ đồng, giảm được 71 khách hàng nợ, tương ứng số tiền 1,55 tỷ đồng (trước đó, tính đến 31-12-2019, toàn thành phố có 213 khách hàng đi khỏi nơi cư trú với số tiền nợ là 4 tỷ đồng, trong đó, có 117 khách hàng nợ quá hạn với số tiền 1,75 tỷ đồng).

Các con số trên cho thấy nỗ lực trong công tác thu hồi nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH chi nhánh Đà Nẵng và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, 142 khách hàng đi khỏi nơi cư trú tính đến 30-9 là những trường hợp đã vay từ lâu và không có nhiều thông tin sau khi họ đi khỏi nơi cư trú. Đơn cử như trường hợp hộ bà H.T.L (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vay ưu đãi hộ nghèo từ năm 2008, đến năm 2015 đi khỏi nơi cư trú với dư nợ 15 triệu đồng, hay trường hợp bà H.T.N (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) vay theo diện giải quyết việc làm từ năm 2014, đến năm 2016 đi khỏi nơi cư trú với dư nợ 20 triệu đồng… Một số địa phương có số hộ vay đi khỏi nơi cư trú có dư nợ lớn như quận Liên Chiểu có 17 hộ với tổng số tiền 507 triệu đồng; quận Thanh Khê có 36 hộ với tổng số tiền 479 triệu đồng.

Việc người vay đi khỏi nơi cư trú gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách. Tính đến 30-9, tổng nợ xấu toàn thành phố còn 2,85 tỷ đồng, trong đó, số nợ do người vay bỏ đi nơi cư trú chiếm 85%. Theo Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) Lê Hữu Khanh, việc người dân vay vốn rồi bỏ đi nơi khác gây khó khăn trong việc quản lý thu hồi nguồn vốn.

Để giải quyết thực trạng này, NHCSXH chi nhánh Đà Nẵng đang thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, tháng 7 vừa qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Đà Nẵng đã ký kết quy chế phối hợp với Công an thành phố trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố; nội dung quy chế bao gồm Công an thành phố hỗ trợ Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương, hội đoàn thể khi có yêu cầu cung cấp các thông tin về đối tượng vay, hỗ trợ trong công tác xử lý nợ khó đòi, xác định nơi ở của khách hàng vay vốn còn dư nợ Ngân hàng CSXH nhưng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện để tìm kiếm thông tin…

Theo ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Đà Nẵng, từ sau khi ký kết quy chế phối hợp giữa Ngân hàng CSXH chi nhánh Đà Nẵng và Công an thành phố, bước đầu ghi nhận những hiệu quả tích cực trong việc phối hợp bảo đảm an ninh tại điểm giao dịch xã và phát huy trách nhiệm của tổ xử lý nợ ở các xã, phường trong việc xác minh và thu hồi nợ quá hạn. Tuy nhiên, để công tác thu hồi vốn vay thêm hiệu quả, ông Đoàn Ngọc Chung cho rằng, không chỉ phối hợp giữa các cấp chính quyền mà việc tìm hiểu thông tin từ người dân là rất quan trọng. Ví dụ, việc một hộ vay đi khỏi nơi cư trú thì hàng xóm, tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn hay họ hàng người vay… ít nhiều sẽ biết các thông tin liên quan. Việc nắm bắt sâu sát thông tin từ người dân là một giải pháp hữu hiệu mà các phường, xã nên tích cực thực hiện. “Ngân hàng CSXH - chi nhánh Đà Nẵng đang tập trung vào giải pháp nắm bắt, theo dõi kịp thời thông tin của các khách hàng trên 3 tháng không có giao dịch với ngân hàng tránh để trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, ông Đoàn Ngọc Chung cho biết.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.