Xuất khẩu kỳ vọng những điểm sáng cuối năm

.

Bước vào những tháng cuối năm 2020, các doanh nghiệp nỗ lực tập trung sản xuất, kinh doanh để thực hiện mục tiêu giữ ổn định, thậm chí tăng trưởng sau nhiều tháng bị ngưng trệ, phải thay đổi chiến lược, mục tiêu sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 11 tháng tăng trưởng ở nhiều mặt hàng, trong đó có dệt may. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 11 tháng tăng trưởng ở nhiều mặt hàng, trong đó có dệt may. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA

Chỉ trong vòng chưa tới 3 tháng (tháng 8, 9 và giữa tháng 10), với những cố gắng và kế hoạch hợp lý, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ Hương Quế đã phục hồi hơn 70% thị phần xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một số nước ở khu vực Nam Mỹ. Kết quả này đã đóng góp hơn 30% tổng doanh thu của đơn vị. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ Hương Quế cho biết, kỳ vọng từ nay đến cuối năm nếu tình hình chuyển biến tích cực, dịch bệnh không bùng phát trở lại, tổng doanh thu năm nay sẽ cơ bản không bị âm, thậm chí có thể đạt mức tăng trưởng vài phần trăm.

“Đây là kết quả đáng mừng vì chỉ vài tháng trước, vào thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp khiến đầu ra cho sản phẩm ở mảng xuất khẩu và nội địa hầu như đều bị ngừng lại, chúng tôi đã tính đến phương án thâm hụt doanh thu lớn. Trong thời điểm khó khăn đó, công ty đã chuyển sang sản xuất mặt hàng khẩu trang xuất khẩu sang các nước châu Âu, nhờ đó có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, trả tiền lương cho đội ngũ công nhân”, ông Sơn bày tỏ.

Ghi nhận những tín hiệu lạc quan vào mùa xuất khẩu cuối năm, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước, ước tính doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp sẽ tăng 5-7% so với năm 2019. Kết quả này có được do thời gian qua công ty mở rộng thị trường ở một số nước châu Âu do nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng mạnh, trong khi khả năng cung ứng bị giảm sút vì Covid-19.

Trong khi đó, kỳ vọng vào mùa xuất khẩu cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2020, ông Trương Phi Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafor Đà Nẵng cho biết, hiện các thị trường xuất khẩu chủ lực của đơn vị là Mỹ cùng một số nước châu Âu đã khởi sắc hơn so với nhiều tháng trước. Mặc dù tình hình diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp, nhưng nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên các đơn hàng từ nay đến cuối năm vẫn giữ thông suốt, bảo đảm ổn định cho công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ở ngành dệt may, sau các tháng 8, 9 và 10 có nhiều khởi sắc khi kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với các tháng trước, bước sang tháng 11, nguy cơ làn sóng Covid-19 quay trở lại với một số quốc gia thuộc các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ… khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ bị tác động lớn. Theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3, hiện nay thị phần xuất khẩu (chiếm hơn 90% tổng doanh thu của doanh nghiệp) thay vì tập trung vào sản phẩm chủ lực mặt hàng veston, công ty chuyển sang sản xuất bộ đồ thể thao. Việc chuyển hướng nhanh chóng này đã duy trì được việc làm và thu nhập cho người lao động tại công ty trong những tháng qua.

“Từ nay đến cuối năm 2020, Công ty CP Dệt may 29-3 tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nói trên sang thị trường châu Âu, Mỹ; đồng thời theo dõi sát diễn biến Covid-19 để có hướng xử lý kịp thời. Chúng tôi cố gắng duy trì để không “tăng trưởng âm” là thành công lớn rồi”, ông Chính cho hay. 

Báo cáo của Sở Công thương thành phố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 11 tháng qua vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Theo đó, trong tháng 11 đạt 135 triệu USD, lũy kế 11 tháng ước đạt 1,405 tỷ USD. Trước đó, lũy kế 10 tháng ước đạt 1,276,7 tỷ USD, nhưng vẫn giảm 5,2% so với cùng kỳ 2019. Sự tăng trưởng này tập trung ở nhóm các mặt hàng chủ lực như sản xuất hàng dệt may 11 tháng ước đạt 373 triệu USD (lũy kế 10 tháng đầu năm 2020 đạt 338 triệu USD), hàng thủy sản ước đạt 166 triệu USD (lũy kế 10 tháng đạt 152 triệu USD), hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,4 triệu USD (lũy kế 10 tháng đạt 13,9 triệu USD), cao su thành phẩm ước đạt 59 triệu USD (lũy kế 10 tháng đạt 52 triệu USD), động cơ thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 466 triệu USD (lũy kế 10 tháng đạt 424 triệu USD)…

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục vươn lên khẳng định vai trò động lực cho sự tăng trưởng hoạt động xuất khẩu của thành phố, rút ngắn khoảng cách với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi kim ngạch xuất khẩu 11 tháng của khu vực này đạt 641,2 triệu USD (lũy kế tháng 10 đạt 581,7 triệu USD); khu vực FDI lũy kế 11 tháng đạt 764 triệu USD.

Theo nhận định của Sở Công thương, từ nay đến cuối năm 2020, hoạt động xuất khẩu của thành phố có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao hơn so với những tháng đầu năm khi nhu cầu tiêu thụ trong những tháng cuối năm tăng cao, nhưng với điều kiện dịch bệnh phải được kiểm soát tốt ở các thị trường Mỹ, EU và một số thị trường khác. Đây vốn là thị trường chủ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.