Đà Nẵng hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển

.

Các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh Đà Nẵng có những tiềm năng, lợi thế to lớn trong phát triển các ngành kinh tế biển như: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác hải sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp ven biển... Thành phố cần thực hiện đồng bộ những giải pháp để tạo ra sự bứt phá và phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian tới.

Hệ thống cảng biển Đà Nẵng cùng với Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng  hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hệ thống cảng biển Đà Nẵng cùng với Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển do có địa kinh tế thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch và xây dựng tốt, nhất là hạ tầng du lịch biển. Đà Nẵng cần đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch biển để thu hút, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, nghiên cứu đầu tư khai thác khoáng sản, năng lượng tái tạo và hải sản. Đặc biệt, cảng Đà Nẵng có vị trí hướng ra biển, nên cần tận dụng lợi thế về vị trí cảng biển để đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng biển, logistics và cung cấp các mặt hàng, dịch vụ khác cho thế giới.

Ngày 18-2-2019, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU về phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững... Tiếp đó, ngày 28-2-2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 688/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/TU với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (GRDP) đạt 15% (đạt 10% GRDP vào năm 2025). Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững, phù hợp với các quy định quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển... Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn và góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế về biển và đại dương.

Các nhiệm vụ chủ yếu về phát triển các ngành kinh tế biển như phát huy tiềm năng, lợi thế biển trong phát triển du lịch và dịch vụ; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển, tạo sản phẩm du lịch biển độc đáo, có tính đặc thù cao; chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; xây dựng các bến du thuyền và hình thành đội tàu du lịch hiện đại, chất lượng cao... Đồng thời, xây dựng cảng Đà Nẵng trở thành cụm cảng lớn, hiện đại, là trung tâm cảng của miền Trung, đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; từng bước phát triển dịch vụ vận tải biển, dịch vụ hàng hải trở thành thế mạnh, khâu đột phá trong việc phát triển các lĩnh vực kinh tế khác; hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông kết nối liên thông các cảng biển với các khu công nghiệp của thành phố và với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế...

Theo TS Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng và TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển của thành phố Đà Nẵng, cần những nghiên cứu nhằm đánh giá tiềm năng cũng như thực trạng phát triển, quản lý kinh tế biển hiện nay để có những giải pháp về quản lý, phát triển bền vững các ngành kinh tế biển. Theo đó, thành phố cần xác định hệ thống cảng biển Đà Nẵng (Tiên Sa, Liên Chiểu) là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế để cùng với cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung.

Đồng thời tập trung phát triển cảng biển Đà Nẵng thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối tại khu vực Đông Nam Á, đảm nhận tốt vai trò cảng cửa ngõ quốc tế theo hướng từng bước hình thành cảng Liên Chiểu chuyên thực hiện chức năng logistics và hàng hóa; chuyển đổi cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch biển. Thành phố cần đầu tư, khuyến khích xã hội hóa nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông kết nối liên thông các cảng biển với các khu công nghiệp của thành phố và với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế đi đôi với phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt là phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý... Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế biển mới có khả năng cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao, nhất là dịch vụ hoặc lĩnh vực mới có tiềm năng như: dịch vụ thể thao biển, công nghiệp du thuyền... Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý Nhà nước, chú trọng bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, bảo đảm quốc phòng - an ninh...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.