Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm

.

Cuối năm thường là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp... Để tăng cường công tác quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, UBND thành phố có văn bản yêu cầu các cấp, ngành liên quan nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, triển khai tích cực các giải pháp nhằm giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Lực lượng quản lý thị trường triển khai công tác kiểm tra chất lượng, nguồn gốc hàng hóa tại chợ Đống Đa. Ảnh: KHÁNH HÒA
Lực lượng quản lý thị trường triển khai công tác kiểm tra chất lượng, nguồn gốc hàng hóa tại chợ Đống Đa. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo Sở Công thương thành phố, cuối năm là thời điểm tình trạng kinh doanh hàng hóa không có chứng từ, nhãn mác, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thường xảy ra tại một số địa điểm kinh doanh với thủ đoạn tinh vi. Các mặt hàng thường xuyên bị làm giả, làm nhái gồm: đồng hồ, mắt kính, túi xách, quần áo, giày dép, rượu, bánh kẹo, hàng tiêu dùng... Ngoài các điểm bán cố định, các cửa hàng “lưu động” bán hàng tiêu dùng, quần áo cũng “góp phần” phủ sóng nhiều loại hàng hóa không có nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ nhưng vì giá rẻ nên thu hút người mua.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Sản xuất và kinh doanh thương mại Hương Quế khẳng định, hàng giả, hàng nhái bày bán trên thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Khi có sản phẩm bị làm nhái, doanh nghiệp phải đối diện với nguy cơ giảm sút uy tín của thương hiệu. Vì vậy, công tác phòng, chống, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm phải được thực hiện xuyên suốt với các chế tài nghiêm.

Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc từ nay đến sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 thực hiện quyết liệt kế hoạch theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi, vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như: may mặc, rượu, bia, nước giải khát, mứt, bánh, kẹo, thuốc lá điếu, xăng dầu, mỹ phẩm...

Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Bà Hồ Thị Kim Cúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (quận Hải Châu) cho biết, đơn vị đang gấp rút triển khai kế hoạch thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm. Trong đó, tập trung rà soát các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, các mặt hàng có nguy cơ cao về hàng giả, hàng nhái nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý trong đợt cao điểm sắp tới. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác quản lý, giám sát thường xuyên nên địa bàn quận Hải Châu chưa xảy ra vụ việc vi phạm lớn nào.

Trong khi đó, thông tin từ ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Phát triển và Quản lý các chợ Đà Nẵng cho hay, đơn vị đã và đang phối hợp với Phòng Kỹ thuật - An toàn môi trường (thuộc Sở Công thương thành phố) tổ chức dán 960.000 tem QR code nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ lên sản phẩm đang được bày bán tại chợ Cồn và chợ Hàn; đồng thời tiến hành kiểm tra lấy mẫu tại 4 chợ trực thuộc (chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường) nhằm phát hiện các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tập huấn phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, không tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Công ty cùng với Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn hộ kinh doanh trong việc thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh hàng hóa, đến nay chưa có trường hợp nào vi phạm.

Theo Sở Công thương thành phố, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2020 cũng như trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở đang phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, không bảo đảm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn trọng điểm nổi cộm về hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Ban Quản lý các chợ quận, huyện thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại; tiến hành ký cam kết không kinh doanh các mặt hàng vi phạm hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thực hiện đúng các quy định trong hoạt động kinh doanh; thực hiện đúng theo cam kết quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ găm hàng, chống các vi phạm về đo lường, chất lượng...

Đồng thời, khuyến cáo người dân về tác hại cũng như không tiếp tay cho các hành vi kinh doanh trái pháp luật, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, sở, ngành trong tỉnh thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh..., quyết tâm bảo đảm thị trường phục vụ thời điểm cuối năm giữ được sự ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân.

Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 11 tháng năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã trực tiếp kiểm tra 890 vụ việc, trong đó, xử lý 639 vụ với tổng số tiền xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử chưa phát sinh vụ việc nào.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.