Tập trung thực hiện giải pháp thu ngân sách năm 2021

.

Năm 2021, dự toán thu ngân sách Nhà nước của thành phố là 21.772 tỷ đồng, bằng 100% so với ước thực hiện năm 2020. Để bảo đảm thực hiện dự toán, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: M.QUẾ
Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: M.QUẾ

Theo Sở Tài chính thành phố, năm 2021, trong dự toán thu ngân sách 21.772 tỷ đồng, dự kiến thu nội địa (không kể tiền sử dụng đất và hoạt động xổ số kiến thiết) là 14.728 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 3.550 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 3.300 tỷ đồng và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết là 165 tỷ đồng. Dự toán thu ngân sách địa phương được xây dựng trên cơ sở bám sát các văn bản hướng dẫn của ngành thuế, hải quan, sát thực tế phát sinh và tổng hợp đầy đủ tác động của các chính sách thu mới ban hành; đồng thời dựa trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách năm 2020, dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và khả năng phục hồi của nền kinh tế; tổng hợp đầy đủ các khoản thu phí, lệ phí theo danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Lưu Đức Sáu cho biết, năm 2020, nhiều khoản thu không hoàn thành dự toán giao. Dự kiến số thu nội địa không kể tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết năm 2020 là 14.610 tỷ đồng, bằng 60,5% dự toán giao. Do vậy, để phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ở mức cao nhất có thể, ngành thuế tích cực rà soát các nguồn thu, phân tích, đánh giá từng khoản thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực để có biện pháp đôn đốc, kiểm tra và xử lý kịp thời các nguồn thu. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế, vừa bảo đảm công tác quản lý thuế, chống thất thu vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Giải pháp không kém phần quan trọng để chống hụt thu là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử để thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng.  Ảnh: M.QUẾ
Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Đối với thu xuất nhập khẩu, sự sụt giảm của các mặt hàng trọng điểm và dịch bệnh, nhiều chính sách thay đổi và nhiều dòng hàng giảm thuế nhập khẩu sâu về 0% theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi tham gia các hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu ngân sách của ngành hải quan. Tuy nhiên, đơn vị đã có nhiều giải pháp vượt qua khó khăn, nhờ vậy, mức thu dự kiến đến cuối năm 2020 là hơn 3.560 tỷ đồng, đạt 87% dự toán. Năm 2021, với dự toán thu 3.550 tỷ đồng, ngành hải quan tiếp tục triển khai các giải pháp đã đề ra. Cục trưởng Cục Hải quan Quách Đăng Hòa cho biết, ngành hải quan tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác giữa hải quan và doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan. Đồng thời, ngành triển khai các giải pháp về chống gian lận xuất xứ, góp phần bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, tạo công bằng cho các đối tượng nộp thuế, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu, đầu tư, tăng thu ngân sách.

Theo Sở Tài chính thành phố, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2020 dự kiến đạt 70,3% dự toán HĐND thành phố giao, trong đó tổng thu nội địa chiếm 83,5% tổng thu ngân sách trên địa bàn (mục tiêu giai đoạn 2016-2021 khoảng 84-85%). Tổng chi cân đối ngân sách địa phương, nếu loại trừ chi tạo nguồn điều chỉnh tiền lương đạt 92,4%, nguyên nhân chủ yếu là do thực hiện cắt giảm, giãn một số nhiệm vụ chi để bảo đảm cân đối, một số nhiệm vụ trong năm không triển khai được do dịch bệnh. Trong năm 2020, thành phố đã bảo đảm nguồn kinh phí chi trả nợ gốc, nợ lãi, phí đến hạn của các khoản vay chính quyền địa phương.

Giám đốc Sở Tài chính thành phố Nguyễn Văn Phụng cho biết, từ công tác thu ngân sách năm 2020 sẽ xác định những giải pháp để quản lý số thu năm 2021. Cụ thể, quản lý chặt chẽ và khai thác có kế hoạch và hiệu quả, bền vững nguồn lực tài chính từ đất đai để tập trung vốn đầu tư cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa cao, tránh bố trí vốn dàn trải, bố trí vốn khi chưa đủ thủ tục chuẩn bị đầu tư dẫn đến trong năm không giải ngân được; tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, kinh phí mua sắm, sửa chữa tài sản chưa cấp thiết; đẩy mạnh việc bán, cho thuê tài sản Nhà nước kể cả quyền khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và tái tạo nguồn đầu tư cho ngân sách. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân sách Nhà nước gắn với chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh; ưu tiên dành nguồn để bố trí trả nợ vay chính quyền địa phương khi đến hạn.

Theo Sở Tài chính thành phố, dự kiến mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 là 9-10%; dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 là 69.080 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng thu nội địa là khoảng 82-83%. Theo đó, tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2023 bình quân đạt 4%/năm, mục tiêu giai đoạn 5 năm 2021-2025 là 7-10%/năm (tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 bình quân ước đạt 7,7%/năm)

Nguồn: Trích kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2021-2023

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.