Thương mại, dịch vụ góp phần thay đổi diện mạo đô thị trung tâm

.

Trong nhiều năm qua, ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn quận Hải Châu có tốc độ phát triển nhanh chóng với kết quả tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 luôn ở mức hai con số, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của địa phương. Trên nền tảng đó, quận Hải Châu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, dịch vụ chiếm tỷ trọng 91,5% trong cơ cấu kinh tế với mức tăng trưởng đạt trung bình 10,5%/ năm.

Tuyến đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu phát triển mạnh về dịch vụ thương mại và giải trí. Ảnh: KHÁNH HÒA
Tuyến đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu phát triển mạnh về dịch vụ thương mại và giải trí. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nằm ở vị trí trung tâm, quận Hải Châu được xem là “trái tim” của thành phố, là quận đầu tiên của Đà Nẵng gia nhập vào CLB các quận, huyện trên cả nước có số thu ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng (vào năm 2017). Trong các năm tiếp theo, quận Hải Châu luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao với tổng thu ngân sách năm 2019 tiệm cận 1.500 tỷ đồng, trong đó, ngành thương mại - dịch vụ đóng vai trò chủ lực, đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách hằng năm. Đây là kết quả đáng mừng vì thời gian qua, hạ tầng thương mại - dịch vụ trên địa bàn quận không ngừng được đầu tư, xây dựng mới, đi kèm đó là các phương thức phục vụ ngày càng chuyên nghiệp. Các tuyến phố lớn như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, 2 Tháng 9… có tốc độ phát triển nhanh chóng và ngày càng định hình rõ nét đặc trưng riêng trong kết cấu sản phẩm dịch vụ. Nếu tuyến phố chuyên doanh Lê Duẩn, Phan Châu Trinh là “thế giới” của ngành hàng thời trang thì tuyến đường Nguyễn Văn Linh và đường 2 Tháng 9 lại chiếm ưu thế ở phân khúc ăn uống, giải khát, lưu trú…

Hạ tầng phát triển đi kèm sức tiêu thụ tăng đã góp phần tăng sức hút cho quận Hải Châu, thể hiện ở việc các thương hiệu kinh doanh mua bán lẻ nổi tiếng trong và ngoài nước lựa chọn nơi đây làm điểm đến. Có thể kể đến như thương hiệu cà phê Starbucks (Mỹ), chuỗi nhà hàng Gogi (Hàn Quốc), nhãn hàng thời trang của Singapore Charles & Keith, hay các thương hiệu lớn của nội địa như Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ… Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban quản lý chợ Hàn, chợ du lịch nổi tiếng của quận Hải Châu cho biết, toàn chợ hiện có 800 tiểu thương kinh doanh buôn bán đa ngành hàng, trong đó tập trung vào các sản phẩm thời trang, hàng lưu niệm, các mặt hàng hải sản sấy khô… Qua 5 năm chuyển đổi mạnh mẽ ngành hàng kinh doanh, chợ Hàn trở thành điểm đến mua sắm lớn, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Trước khi xảy ra Covid-19, trung bình mỗi ngày chợ Hàn đón tiếp hơn 3.000 khách đến tham quan, mua sắm. Thời gian qua, chợ đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện diện mạo thương mại - dịch vụ của quận Hải Châu, tạo sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa thương mại - dịch vụ hiện đại với văn hóa mua bán truyền thống.

Năm 2020, do tác động từ Covid-19, kinh tế quận Hải Châu chịu nhiều ảnh hưởng theo chiều hướng giảm sút, đặc biệt, các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, du lịch, lưu trú, ăn uống… bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Theo báo cáo từ UBND quận Hải Châu, tính đến cuối năm 2020, tổng thu ngân sách của quận ước đạt gần 880 tỷ đồng (đạt 53,96% so với dự toán và 56,59% so với cùng kỳ 2019), tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn quận ước đạt 29.781 tỷ đồng, giảm 6,93% so với cùng kỳ năm 2019. Bước vào năm 2021, năm tiền đề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Hải Châu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025, quận Hải Châu xác định đây là thời điểm tập trung mọi giải pháp, chương trình hành động nhằm nỗ lực phục hồi, ổn định kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng nhằm phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu về thu ngân sách; nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân.

Theo đó, quận Hải Châu đặt ra mục tiêu tổng thu ngân sách trong năm 2021 đạt 942 tỷ đồng, tổng thu bán lẻ hàng hóa tăng 9-11% so với ước thực hiện năm 2020. Để đạt được kế hoạch này, bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, quận tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TU và Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thưởng vụ Thành ủy về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Theo đó, sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển các tuyến phố chuyên doanh đã hình thành, đồng thời nghiên cứu triển khai các phố chuyên doanh mới ở một số tuyến đường lớn nhằm góp phần tạo động lực mới thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch trên địa bàn; triển khai các biện pháp hỗ trợ, gặp gỡ đối thoại nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, giữ ổn định thị trường.

Giai đoạn 2020-2025, quận Hải Châu xác định ngành dịch vụ chiếm 91,5% trong cơ cấu kinh tế, tiếp đến là ngành công nghiệp với 8,10% và nông nghiệp chiếm 0,4%. Điều này cho thấy, thương mại - dịch vụ được khẳng định là ngành kinh tế chủ lực, đóng vai trò quan trọng, đồng thời là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Để hoàn thành mục tiêu này, trong 5 năm tới, quận Hải Châu tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đề án “Phát triển kinh tế ban đêm quận Hải Châu giai đoạn 2020-2025”, “Nâng cao chất lương hoạt động của các chợ theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2020-2025”. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi phát triển.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.