Triển khai kỹ thuật mạ khay và sử dụng máy cấy trong sản xuất lúa

.

Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi canh tác lúa truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, thành phố đã và đang áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong các khâu canh tác, sử dụng các giống lúa có chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Ứng dụng kỹ thuật mạ khay và máy cấy trong sản xuất lúa góp phần nâng cao năng suất lao động. Trong ảnh: Nông dân xã Hòa Tiến thí điểm kỹ thuật máy cấy trong vụ hè thu vừa qua. Ảnh: VĂN HOÀNG
Ứng dụng kỹ thuật mạ khay và máy cấy trong sản xuất lúa góp phần nâng cao năng suất lao động. TRONG ẢNH: Nông dân xã Hòa Tiến thí điểm kỹ thuật máy cấy trong vụ hè thu vừa qua. Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Kim Văn Tiêu, Đà Nẵng là một trong những địa phương có diện tích sản xuất không nhiều nhưng đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu, giúp nông dân thành phố và cả nước học tập, ứng dụng để tăng hiệu quả sản xuất, ổn định được cuộc sống. Trong những năm qua, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được ngành nông nghiệp thành phố quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, ở khâu gieo cấy vẫn chưa áp dụng cơ giới hóa nên hiệu quả sản xuất không thể phát huy tối đa. Do vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như diện tích sản xuất lúa giảm dần, lực lượng lao động ngày càng giảm về chất lượng lẫn số lượng, chủ yếu là những người lớn tuổi.

Theo Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố chỉ còn khoảng 2.690ha diện tích sản xuất lúa với 2 vụ chính là đông xuân và hè thu. Năm 2020, diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt gần 350ha. Để tạo đột phá trong sản xuất, ngành nông nghiệp đã đồng bộ cơ giới hóa trong các khâu canh tác, đồng thời đặt mục tiêu là tăng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 1.200ha đến năm 2025 và 1.500ha tính đến năm 2030 theo Quyết định số 198/QĐ-SNN của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đặng Văn Hồng cho biết, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn tập trung chủ yếu ở khâu làm đất và thu hoạch. Còn ở khâu gieo cấy vẫn còn áp dụng kỹ thuật sạ lan bằng tay do thói quen, tập quán canh tác của nông dân địa phương. Tuy nhiên, kỹ thuật này có nhược điểm là sử dụng lượng giống nhiều, mật độ lúa dày, không đều, phát triển bụi kém. Đồng thời dễ phát sinh sâu bệnh hại nên cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm và có tác động không tốt đến thổ nhưỡng.

“Để thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, việc ứng dụng giải pháp kỹ thuật mạ khay, máy cấy là một trong những giải pháp hữu hiệu, thực hiện được đa mục tiêu như ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy, tiết kiệm giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giúp tăng năng suất lúa. Trên thực tế, nhiều địa phương sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… đã áp dụng kỹ thuật này và mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường”, ông Đặng Văn Hồng cho biết. Ứng dụng mạ khay, máy cấy (gieo mạ bằng máy và khay, cấy lúa bằng máy) vào sản xuất lúa giúp tăng năng suất lao động trong khâu gieo cấy 50%, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Trong vụ lúa hè thu vừa qua, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố đã phối hợp với Hội Nông dân xã Hòa Tiến triển khai thí điểm mô hình mạ khay, máy cấy với diện tích 0,5ha tại thôn An Trạch. Mô hình thí điểm trên đã mang lại năng suất tương đương 70 tạ/ha, cao hơn so với năng suất lúa bình quân của thành phố, bước đầu được địa phương và nông dân trên địa bàn đồng tình, ủng hộ. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến Đặng Văn Quang cho biết, do chưa quen thuộc kỹ thuật nên nông dân còn lúng túng và lo ngại khi thử nghiệm mạ khay, máy cấy trên ruộng lúa. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, mô hình trên đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt ít bị chuột cắn phá, năng suất tăng. Trong vụ đông xuân 2020 - 2021, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục thí điểm mô hình này, đồng thời tăng diện tích gieo sạ lên 3ha để có những đánh giá toàn diện.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban, trong thời gian đến ngành nông nghiệp thành phố sẽ triển khai lồng ghép các giải pháp kỹ thuật mạ khay, máy cấy vào các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Đồng thời tổ chức các hội thảo đánh giá kết quả mô hình để làm cơ sở tiếp tục ứng dụng nhân rộng kỹ thuật các vụ tiếp theo. Sau đó, chọn một số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc, điều kiện cơ sở hạ tầng sản xuất mạ khay để tham gia cung ứng dịch vụ cho nông dân khi mở rộng diện tích. “Với định hướng dài hạn là duy trì, phát triển diện tích sản xuất lúa trên địa bàn thành phố thành các vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, việc từng bước đưa kỹ thuật mạ khay, máy cấy vào kỹ thuật canh tác lúa là cần thiết. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm, bảo đảm phát triển duy trì hệ sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Phú Ban nhận định.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.