Vì sao hầm Hải Vân 2 đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào khai thác?

.

Ngày 20-11, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2, do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí bảo trì nên chưa đưa vào khai thác.

Ống dẫn vào hầm Hải Vân 2. Ảnh: THÀNH LÂN
Ống dẫn vào hầm Hải Vân 2. Ảnh: THÀNH LÂN

Công trình đã được nghiệm thu

Dự án hầm Hải Vân 2 có điểm đầu thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, điểm cuối thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Phần mở rộng hầm dài khoảng 6,29km, hướng tuyến đi trùng với tim hầm lánh nạn hiện tại, cách tim tuyến hầm Hải Vân 1 khoảng 30m, gồm hai làn xe mỗi chiều rộng 9,75m. Chủ đầu tư đã triển khai thi công hoàn thành vượt tiến độ trước 3 tháng.

Hầm Hải Vân sau khi được mở rộng gồm hai ống hầm với dự kiến phương án khai thác lưu thông một chiều mỗi ống hầm. Ngoài ra, còn có các hạng mục khác như trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí, trạm dừng đỗ kỹ thuật. Đây là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó, đường dẫn phía bắc dài khoảng 1,7km, đường dẫn phía nam 4km.

Kết quả buổi nghiệm thu, cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã có ý kiến chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, đánh dấu mốc hoàn thành giai đoạn đầu tư và cũng là điều kiện cần để đưa công trình vào vận hành khai thác. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, đến nay công trình cơ bản bảo đảm nghiệm thu, sớm đưa vào thông xe góp phần phát huy hiệu quả, xóa điểm nghẽn lưu thông hai chiều trong một ống hầm, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng, phát triển kinh tế - xã hội.

Thiếu kinh phí vận hành

Tuy nhiên, sau khi nghiệm thu, công trình này sẽ phải đóng cửa do các vướng mắc của dự án, trong đó có việc phương án tài chính bị phá vỡ do cam kết của Nhà nước trong hợp đồng BOT chưa thực hiện. Mặc dù nhà đầu tư và Bộ GTVT đã nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được bố trí giải ngân đủ phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia (thiếu 1.180 tỷ đồng), đồng thời phương án xử lý đối với trạm thu phí La Sơn - Túy Loan vẫn chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc này đã dẫn đến rất nhiều khó khăn đối với nhà đầu tư, do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn và nguồn thu, ảnh hưởng việc trả nợ vay ngân hàng và không có kinh phí để vận hành hầm Hải Vân 2.

Trên thực tế, dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân 2 luôn được trông đợi sớm hoàn thành để đưa vào vận hành nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần phát triển thông thương hai miền Nam - Bắc. Được biết, thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo 02/TB-VPCP ngày 3-1-2020 và ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 831/VPCP-CN ngày 5-2-2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư thực hiện rà soát tổng thể phương án tài chính, những cam kết trong hợp đồng dự án và phân tích đầy đủ về cơ sở pháp lý cần thiết, các giải pháp, đề xuất. Bộ GTVT đã lấy ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Vietinbank và báo cáo Thủ tướng. Trên cơ sở đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Thường trực Chính phủ để thống nhất xử lý khó khăn, vướng mắc của dự án. Tuy nhiên, đến nay các khó khăn, vướng mắc của dự án vẫn chưa được giải quyết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được thông qua, Bộ GTVT cũng báo cáo Chính phủ về phần vốn này và đưa vào danh mục ưu tiên trong nguồn vốn trung hạn để tháo gỡ cho nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất. Vấn đề thu phí, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng có cơ chế tổng thể, phù hợp các dự án tương tự khác. Với vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thay mặt Bộ GTVT cam kết ưu tiên số một ghi vào vốn trung hạn 2021-2025 và khi được Quốc hội thông qua sẽ ưu tiên đầu tiên bố trí cho Công ty CP Đầu tư Đèo Cả.

Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả Phan Văn Thắng cho hay, sau 10 năm vận hành hầm Hải Vân 1, trước sức ép gia tăng phương tiện, quá tải cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế - xã hội, thời điểm mãn tải hầm Hải Vân 1 đến sớm hơn và đặt ra nhu cầu cấp bách cần hoàn thành ống hầm thứ hai. Ống hầm thứ hai của hầm Hải Vân khi đi vào vận hành sẽ giảm thiểu tối đa những yếu tố gây tai nạn, tránh ách tắc giao thông, an toàn hơn, tiết kiệm thời gian lưu thông qua hầm.

THÀNH LÂN - TRẦN VĂN LỊCH

;
;
.
.
.
.
.