Kinh tế

Cơ hội từ những dự án triệu đô

08:08, 24/02/2021 (GMT+7)

Ngày 23-2, tại trụ sở Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), lãnh đạo thành phố trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 7 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến hơn 280 triệu USD. Đây là tín hiệu vui, đồng thời mở ra cơ hội đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào thành phố.

Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành hạt nhân khu vực tây bắc, là động lực thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ của thành phố.   Ảnh: K.NINH
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành hạt nhân khu vực tây bắc, là động lực thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ của thành phố. Ảnh: K.NINH

Có 6 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 3 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 2 thị trường trọng điểm thu hút đầu tư của Đà Nẵng là Mỹ và Nhật Bản. Cụ thể, dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (quốc tịch Mỹ) đầu tư vào Khu Công nghệ cao (CNC) với vốn đầu tư 110 triệu USD; dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) đầu tư vào Khu CNC với vốn đầu tư 35 triệu USD; dự án EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng của nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Khu Công nghiệp Hòa Khánh mở rộng với vốn đầu tư 300.000 USD. Ngoài ra, có 3 dự án trong nước đầu tư vào Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Khánh và KCN Hòa Khánh mở rộng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 73,4 tỷ đồng.

Thành phố Đà Nẵng cũng trao văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư cho Công ty Arevo Inc. (Mỹ) để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD vào Khu CNC. Mục tiêu của dự án sản xuất vật liệu composite sợi carbon nền polymer (PEEK, nilon…) dành cho công nghệ in 3D; sản xuất sản phẩm từ dịch vụ và giải pháp thiết kế in 3D từ sợi carbon; sản xuất phần mềm (thiết kế, mô phỏng, điều khiển máy in) và sản xuất máy in 3D.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ tư, trái sang) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 7 dự án. Ảnh: K.NINH
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ tư, trái sang) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 7 dự án. Ảnh: K.NINH

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh khẳng định, các dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư đợt này là các dự án có mục tiêu sản xuất và nghiên cứu sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến, giá trị gia tăng cao. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ có những chuyển biến tích cực trong việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao đến với Đà Nẵng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và thúc đẩy, lan tỏa sự phát triển khoa học - công nghệ trong tương lai.

Theo đó, với mục tiêu phát triển Khu CNC thành hạt nhân của khu vực tây bắc thành phố, làm động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ và trung tâm khoa học - công nghệ lớn của thành phố và khu vực, thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và đề xuất ban hành chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu CNC. Lãnh đạo thành phố đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục tích cực phối hợp để sớm triển khai và đưa các dự án đi vào hoạt động theo đúng tiến độ; đồng thời hỗ trợ, giới thiệu các nhà đầu tư khác đến nghiên cứu, đầu tư tại Đà Nẵng trong thời gian đến. Thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hết mình để các nhà đầu tư chân chính triển khai các hoạt động nghiên cứu, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng trao chủ trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn thành phố của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 158/TTg-CN ngày 4-2-2021 của Ban Quản lý Khu CNC và các KCN. Việc phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cơ sở triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN mới (Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh) và hoàn thành việc chuyển đổi Khu phụ trợ dự án Khu CNC Đà Nẵng thành Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng, góp phần triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30-10-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, việc thu hút được các nhà đầu tư với các dự án lớn là kết quả của cả một quá trình nỗ lực rất dài của thành phố. Qua tổng kết hoạt động thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, thành phố đã đề ra hàng loạt giải pháp, bao gồm cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong tiếp cận các quỹ đất, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư… và đã đạt được một số kết quả bước đầu nói trên. Ông Sơn cũng chia sẻ: “Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chúng tôi đã áp dụng một số giải pháp như: tổ chức xúc tiến đầu tư trực tuyến với các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, một số thị trường khác và đã đạt một số kết quả nhất định… Với chủ đề của năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, chúng tôi cũng thực hiện hình thức xúc tiến tại chỗ. Trước hết tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các khó khăn, củng cố năng lực cho các nhà đầu tư hiện hữu; qua đó tạo môi trường cũng như sự mời gọi các nhà đầu tư mới”.

Đến nay, Khu CNC đã thu hút 24 dự án, trong đó 12 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 545,1 triệu USD và 12 dự án trong nước với vốn đầu tư hơn 6.290 tỷ đồng. Tổng cộng Khu CNC và các KCN đã thu hút được 496 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 26.500 tỷ đồng và hơn 1.740 triệu USD. Riêng giai đoạn đầu năm 2021, Khu CNC và các KCN đã thu hút được 6 dự án, trong đó có 2 dự án FDI vào Khu CNC với tổng vốn đăng ký đầu tư là 145 triệu USD, 1 dự án FDI vào KCN Hòa Khánh mở rộng với tổng vốn đăng ký đầu tư là 0,3 triệu USD, 3 dự án trong nước đầu tư vào KCN Hòa Khánh với tổng vốn đầu tư là 75 tỷ đồng.

KHANG NINH - THU HÀ

Ông Nguyễn Thanh Sang, đại diện chủ đầu tư tại Việt Nam của dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises (Mỹ): Môi trường đầu tư của Đà Nẵng khá thông thoáng

Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises có tổng vốn đầu tư 110 triệu USD, được triển khai trên diện tích 102.200m2. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô hơn 61.500m2, vốn đầu tư 66 triệu USD, dự kiến khởi công xây dựng vào quý 2-2021 và hoạt động chính thức vào quý 2-2023. Hiện nay, ở Việt Nam cũng có một số Khu CNC, song chúng tôi đã chọn đầu tư dự án ở Khu CNC Đà Nẵng. Môi trường đầu tư của Đà Nẵng khá thông thoáng, thành phố cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư.

Nguyễn Thùy Linh, Điều phối dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng: Đà Nẵng có nguồn nhân lực chất lượng cao

Dự án của chúng tôi có tổng vốn đầu tư 35 triệu USD, được triển khai trên diện tích 3,3ha. Mục tiêu của dự án là nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ. Trong tên của dự án có từ “Đà Nẵng” nhằm tạo điểm nhấn, bày tỏ sự biết ơn của nhà đầu tư đối với thành phố, cũng như mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản khác sẽ chú ý hơn nữa đến thị trường Đà Nẵng. Thành phố đang xúc tiến rất mạnh để thu hút đầu tư vào KCN cao. Đà Nẵng có nguồn nhân lực ổn định, chất lượng cao. Chúng tôi đã có những biên bản ghi nhớ nhằm phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng để hợp tác về nghiên cứu, đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực. Trường Đại học Bách Khoa có mối quan hệ rất tốt với các trường Đại học ở Nhật Bản, sẽ là một thuận lợi cho chúng tôi. Chúng tôi cam kết triển khai dự án đúng tiến độ đã được phê duyệt.

Ông Yakabe Yoshinori, Trưởng Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng: Đà Nẵng tạo nhiều điều kiện thuận lợi
cho doanh nghiệp

Hiện ở Đà Nẵng và 3 tỉnh lân cận là Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Quảng Nam đang có khoảng 300 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động. Trong đó, Đà Nẵng đang tạo điều kiện hỗ trợ rất nhiều cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng: Mong muốn nhiều nhà đầu tư chọn Đà Nẵng

Sau quá trình cấp phép, nhà đầu tư phải triển khai rất nhiều thủ tục theo quy định của pháp luật như hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, các hồ sơ về môi trường, thủ tục đất đai, quy hoạch… Thông thường một dự án triển khai nhanh, thuận lợi, dưới sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành thì dự kiến trong vòng 6 tháng có thể khởi công được, tùy quy mô của dự án. Nếu dự án phức tạp, quy mô lớn thì công tác chuẩn bị của chủ đầu tư sẽ dài hơn.

Trong quá trình xúc tiến thu hút đầu tư, thành phố mong muốn các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng. Tuy nhiên, kết quả thu hút được đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như: chất lượng dự án, quy mô dự án, sự phù hợp của dự án so với chính sách phát triển của thành phố…

 

.