Đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch tại các điểm mua sắm, du lịch

.

Tết Nguyên đán cận kề, tình hình Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Để bảo đảm an toàn và bình yên cho người dân vui xuân đón Tết, hơn lúc nào hết công tác phòng, chống dịch bệnh cần được đề cao. Đặc biệt là những điểm thường xuyên có đông người đến mua sắm, sinh hoạt như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các hàng quán, điểm tham quan, đầu mối giao thông…

Công tác phòng, chống dịch được các đơn vị triển khai tích cực nhằm bảo đảm cho người dân một cái Tết an lành, vui tươi.  Trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang nghiêm túc khi đi mua sắm Tết ở siêu thị Big C. Ảnh: KHÁNH HÒA
Công tác phòng, chống dịch được các đơn vị triển khai tích cực nhằm bảo đảm cho người dân một cái Tết an lành, vui tươi. TRONG ẢNH: Người dân đeo khẩu trang nghiêm túc khi đi mua sắm Tết ở siêu thị Big C. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, không khí mua sắm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…trên địa bàn thành phố diễn ra khá sôi động. Lượng người đến mua sắm tăng 50-60% so với ngày thường. Cùng với đó, lượng hàng hóa nhập về các điểm mua sắm cũng tăng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, dự báo từ nay đến hết ngày 30 tháng Chạp, sức mua các mặt hàng thiết yếu tại Big C sẽ tăng lên khoảng 300% so với ngày thường. Nguồn hàng hóa tại siêu thị luôn dồi dào và sẵn sàng có nguồn dự trữ ở kho để bổ sung bất cứ lúc nào, nhất là thời điểm một tuần cận Tết, sức mua thường tăng đột biến.

Tại siêu thị Big C vào sáng 1-2, lượng người đến mua sắm rất đông, hầu hết người dân đều tự giác đeo khẩu trang. Siêu thị cũng bố trí các bàn đựng bình xịt sát khuẩn và tiến hành đo thân nhiệt cho người dân trước khi lên thang máy vào khu mua sắm.

Tại chợ Đầu mối Hòa Cường, lượng hàng đổ về liên tục mấy ngày gần đây. Nhiều tiểu thương cho biết, năm nay, trước diễn biến mới của dịch bệnh nên phải tranh thủ nhập hàng về sớm trước một tuần. Đồng thời người kinh doanh cũng có kế hoạch dự trữ để giữ hàng được lâu, thay vì vẫn nhập hàng vào những ngày cuối năm âm lịch như các năm trước.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, Ban Quản lý các chợ truyền thống yêu cầu 100% hộ kinh doanh phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình họp chợ, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ông Phan Thành Thoại, Phó ban quản lý chợ Cồn cho hay, công tác phòng, chống dịch được đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống loa, đi kèm đó, lực lượng bảo vệ đứng chốt ở các cổng sẽ nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi vào chợ. Đối với các hộ kinh doanh nếu vi phạm sẽ đình chỉ tạm thời hoạt động kinh doanh tại chợ.

Mặc dù đã nhanh chóng kích hoạt lại các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo chung của thành phố nhưng thực tế, vẫn còn một bộ phận người dân còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc áp dụng quy định. Tại hầu hết các chợ, chúng tôi chứng kiến không ít tiểu thương chưa mang khẩu trang hoặc mang khẩu trang không đúng cách khi mua bán tại các điểm đông người. Còn đối với các cửa hàng, điểm kinh doanh vì “ngại” khách hàng hoặc vì lý do khác nên không chủ động nhắc nhở người dân mang khẩu trang khi đến mua sắm.

“Chúng tôi đã trang bị bình xịt khuẩn và treo biển yêu cầu người đến mua sắm phải mang khẩu trang, nhưng vì cửa hàng nhỏ, lượng người đến mua sắm quá đông do Tết Nguyên đán đã đến gần nên đôi lúc chúng tôi không kịp nhắc nhở người dân. Chúng tôi sẽ làm kiên quyết hơn vì sự an toàn của thành phố”, bà Lê Thị Thu, chủ cửa hàng kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, bày tỏ.

Tại các chợ, người dân và hộ tiểu thương được yêu cầu đeo khẩu trang suốt quá trình vào chợ.  Trong ảnh: Người dân mua sắm tại chợ Cồn. Ảnh: KHÁNH HÒA
Tại các chợ, người dân và hộ tiểu thương được yêu cầu đeo khẩu trang suốt quá trình vào chợ. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại chợ Cồn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo Sở Công thương, trong tuần qua, sở triển khai công tác kiểm tra phòng, chống Covid-19 tất cả các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn thành phố. Qua đó, phát hiện một số chợ vẫn còn trường hợp các hộ kinh doanh và khách hàng chưa thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang trong khi buôn bán tại chợ.

Để bảo đảm an toàn tại các điểm mua sắm lớn, sở đã liên tục có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh chóng và quyết liệt trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các chợ trên địa bàn. Những trường hợp không chấp hành việc đeo khẩu trang, lực lượng bảo vệ kiên quyết không cho vào chợ và xử lý theo quy định.

Trong khi đó, tại các đầu mối giao thông như: bến xe Trung tâm, ga Đà Nẵng, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, đa phần hành khách đến và đi đều chủ động đeo khẩu trang và tuân thủ nghiêm các giải pháp chống dịch theo hướng dẫn; công tác phòng, chống Covid-19 được các đơn vị tăng cường. Bên cạnh việc tuyên truyền, tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, các lực lượng đã chủ động trang bị dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt tại các khu vực cửa ra vào, quầy bán vé…

Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng Phạm Lợi cho biết, đơn vị đã yêu cầu các nhà xe phun thuốc khử trùng, tuyên truyền đeo khẩu trang. Tại các quầy vé, nhân viên đều lấy địa chỉ, số điện thoại và yêu cầu hành khách khai báo y tế…

Đơn vị cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải về việc tạm dừng các hoạt động chuyên chở đến các địa phương có dịch như Quảng Ninh, Hải Dương… Qua quan sát cho thấy, nhiều lái xe đã chủ động mua thêm nước rửa tay sát khuẩn để ngay trên cửa lên xuống của phương tiện cho hành khách sử dụng.

Theo Đội Trưởng đội khách vận (Chi nhánh Vận tải đường sắt Đà Nẵng) Lê Thị Tuyến, để chủ động phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới, ngành đường sắt đã triển khai thực hiện nghiêm thông điệp 5K “khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế”.

Ngoài ra, nhân viên trên tàu được yêu cầu quan sát hành khách có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19, thông báo ngay cho phòng y tế tại nhà ga khi hành khách đó xuống tàu để cách ly theo dõi kịp thời. Đối với hành khách, nhà ga khuyến cáo hành khách có mặt trước 30 phút giờ tàu chạy để thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 (khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt…) khi vào ga đi tàu.

Theo tìm hiểu, hiện tại một số khu, điểm du lịch như Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… phía bên ngoài cổng soát vé đều có bảng yêu cầu du khách trước khi vào tham quan phải đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn…

Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ khi phát hiện có ca bệnh dương tính trong cộng đồng ở Hải Dương và Quảng Ninh, lượng khách đến tham quan tại danh thắng sụt giảm hẳn, hầu như không có khách đoàn, chỉ có một vài khách đi lẻ. Đa số khách cũng đều ý thức và tự phòng tránh cho mình bằng cách đeo khẩu trang khi đi tham quan…

Ông Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ bãi biển thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, bãi biển rất vắng khách, chỉ có một số ít người dân địa phương đi tắm biển, tập thể dục vào buổi sáng. Lực lượng trật tự, trực cứu hộ cũng thường xuyên nhắc nhở du khách phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc đông người nơi công cộng, nhiều người đã hình thành thói quen đeo khẩu trang.

KHÁNH HÒA - PHƯƠNG UYÊN - THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.