Kinh tế

Những dự án tạo động lực đầu tư phát triển năm 2021

07:49, 26/02/2021 (GMT+7)

Trong những ngày đầu Xuân Tân Sửu, tại các công trình trọng điểm, không khí lao động nhộn nhịp với quyết tâm của chủ đầu tư, quản lý dự án, nhà thầu thi công nhằm sớm hoàn thành đúng tiến độ. Đây là những dự án tạo cú huých cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2021.

Các công trình trọng điểm sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Thi công khu nhà xưởng sản xuất thiết bị bo mạch điện tử để xuất khẩu tại Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. 		            Ảnh: TRIỆU TÙNG
Các công trình trọng điểm sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Thi công khu nhà xưởng sản xuất thiết bị bo mạch điện tử để xuất khẩu tại Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phát triển hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị

Theo kế hoạch, cuối quý 2-2021, công trình trọng điểm Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 công suất thiết kế 120.000m3/ngày đêm sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng để khai thác hiện quả cần có hệ thống truyền dẫn cấp nước tương ứng với quy mô công trình hạ tầng kỹ thuật cấp 1. Nhiệm vụ này được Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đảm trách thực hiện cụ thể qua dự án xây dựng tuyến ống D1.200, D1 800 Hòa Liên (đoạn từ Nhà máy nước (NMN) Hòa Liên đến đường số 2 Khu Công nghiệp Hòa Khánh) với tổng mức đầu tư gần 187 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến gần 6.000m ….

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay, đây là công trình rất quan trọng, khi hoàn thành sẽ khớp nối đồng bộ hạ tầng cấp nước đã xây dựng của Dawaco, góp phần truyền tải, vận chuyển nước sạch từ NMN Hòa Liên để tăng cường cấp nước cho khu vực huyện Hòa Vang, các quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu. Với nhiệm vụ trực tiếp thực hiện chủ trương bảo đảm an ninh nguồn nước, thời gian qua Dawaco đã tập trung nguồn lực rất lớn đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống cấp nước cho thành phố Đà Nẵng. Về mạng lưới đường ống, Dawaco đã xây dựng, lắp đặt mới hơn 285km đường ống các loại. Năm 2021, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống cấp nước, Dawaco triển khai và sẽ hoàn thành 4 tuyến ống quan trọng gồm: tuyến ống D400-D500 dài 13km dọc theo đường ven biển để đáp ứng nhu cầu cấp nước ngày càng lớn của khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn; tuyến ống D1.200 dọc theo tuyến đường Thăng Long để khai thác tối đa công suất của NMN Cầu Đỏ; đồng thời tăng cường áp lực và lưu lượng nước cho khu vực phía đông và phía đông nam thành phố. Đặc biệt là hai tuyến ống nước sạch nối từ NMN Hòa Liên về đường số 2 KCN Hòa Khánh nhằm khai thác có hiệu quả NMN Hòa Liên.

Công trình nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng) là dự án hứa hẹn sẽ có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, dự án nhằm bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống nhân dân, chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái, cải tạo cảnh quan khu vực, thúc đẩy phát triển tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Hội An.

Theo đó, quy mô đầu tư công trình gồm: xây dựng tuyến kè với chiều dài L-3.652,5m dọc theo bờ sông Cổ Cò (từ vị trí chùa Hương Sơn đến gần giáp cầu Bãi Dài); đầu tư nâng cấp cầu Biện đạt yêu cầu khổ thông thuyền sông cấp 4; đầu tư bến đón trả khách và neo đậu tàu thuyền phục vụ tàu du lịch tại vị trí trước chùa Quán Thế Âm. Tổng mức đầu tư hơn 486 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Liên danh nhà thầu Công ty Dacinco - Xuân Quang - Cienco 5 - Trung Nam đang thực hiện công tác dọn dẹp mặt bằng, chuẩn bị triển khai thi công; đã hoàn thành công tác đúc và đóng cọc thử để triển khai đóng cọc đại trà nhằm hoàn thành công trình đúng tiến độ đề ra, bảo đảm an toàn, chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.

Các đơn vị ra quân thi công nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng để kết nối hạ tầng đô thị, phát triển du lịch vào ngày 18-2-2021. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Các đơn vị ra quân thi công nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa phận thành phố Đà Nẵng để kết nối hạ tầng đô thị, phát triển du lịch vào ngày 18-2-2021. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Hạ tầng sản xuất đem lại giá trị tăng trưởng kinh tế

Qua ghi nhận, hoạt động thi công xây dựng đang diễn ra sôi động tại Khu Công nghệ thông tin tập trung (Danang IT Park). Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Trung Nam (Trungnam Group), chủ dự án Danang IT Park, cho biết đã có hàng trăm công nhân làm việc đến ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý 2020 và mồng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu 2021 đã quay trở lại làm việc. Trungnam Group đang chạy đua với thời gian để xây dựng 5 nhà máy với khoảng 90 dây chuyền sản xuất nhằm kịp thời đáp ứng các đơn hàng từ Mỹ. “Hiện chúng tôi đã ký được 3 bản MOU (biên bản ghi nhớ) với 3 tập đoàn ở Thung lũng Silicon (Mỹ) chuyên cung cấp bo mạch điện tử trên thế giới; trong đó MOU lớn nhất chuẩn bị chuyển thành những đơn hàng ký hợp đồng có giá trị 1,5 tỷ USD/năm”, ông Tiến nói.

Đáng chú ý, mặc dù ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng đầu tháng 3-2021, các công ty đã ký MOU với Trungnam Group sẽ đến Danang IT Park, chấp nhận quy định cách ly phòng dịch bệnh từ 14-21 ngày, sau đó đi kiểm tra toàn bộ công tác chuẩn bị tại đây để bàn bạc các điều khoản chuyển từ MOU thành hợp đồng kinh tế. “Chúng tôi đang xây dựng nhà xưởng cho kịp để nhập thiết bị về. Mỗi dây chuyền thiết bị có giá 2,5 triệu USD, 90 dây chuyền trị giá tổng cộng 200 triệu USD, chưa kể hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng 5 nhà máy. Như vậy tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa vay một đồng nào. Điều đó khẳng định tâm huyết, quyết tâm của chúng tôi với dự án này”, ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ.

Được biết, Trungnam Group đã mời gọi rất nhiều tập đoàn công nghệ, nhất là các doanh nghiệp CNTT ở Thung lũng Silicon đến Danang IT Park, nhưng sau đó họ đều lắc đầu vì với 130ha hiện tại (trong đó 26ha dành cho khu chuyên gia và công viên sinh thái) là quá nhỏ. Họ đề nghị phải mở rộng hơn, phải đáp ứng hạ tầng đầy đủ, nhất là khu dịch vụ. Vì vậy, Trungnam Group mong thành phố sớm giao đất giai đoạn 2 để tạo điều kiện cho việc sớm khớp nối và hoàn chỉnh hạ tầng, hệ sinh thái thiết yếu của Danang IT Park, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. “Nếu chúng tôi phát triển đủ 23 nhà máy tại Danang IT Park theo kế hoạch thì có thể đem lại doanh thu vài tỷ USD mỗi năm, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của thành phố Đà Nẵng. Đó là chuyện nằm trong tầm tay”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói.

“Năm 2021, Đà Nẵng xác định chủ đề là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” bằng những giải pháp rất quyết liệt để làm sao tăng trưởng GRDP của thành phố phải đạt ít nhất 6%. Đây là một chỉ tiêu rất khó khăn, cần phải có sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp. Một tín hiệu vui đầu năm là chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tháng 1- 2021 tăng từ 6-10% so với tháng 1-2020. Nhiều dự án được triển khai, đặc biệt là nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư tại thành phố Đà Nẵng; nhiều nhà đầu tư cũng đăng ký làm việc và đề nghị cho phép nghiên cứu một số dự án trên địa bàn thành phố; nhiều nhà đầu tư cũng có suy nghĩ, có dự kiến quay lại Đà Nẵng để đầu tư. Đây là một sự chuyển biến lớn, và chính quyền thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để nhà đầu tư thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn”.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại lễ ra quân thi công tại Khu Công nghệ thông tin tập trung ngày 19-2-2021.

TRIỆU TÙNG

.