Kinh tế

Thay đổi để trưởng thành

13:49, 24/02/2021 (GMT+7)

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính... Trong giai đoạn tới, thành phố sẽ có nhiều biện pháp để củng cố hệ sinh thái này, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và khu vực.

Đà Nẵng đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất 30 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2021. Trong ảnh: Các kỹ sư đang làm việc tại Công ty khởi nghiệp Canext (quận Thanh Khê) (Ảnh chụp cuối tháng 12-2020). Ảnh: P.LAN
Đà Nẵng đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất 30 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2021. TRONG ẢNH: Các kỹ sư đang làm việc tại Công ty khởi nghiệp Canext (quận Thanh Khê). (Ảnh chụp cuối tháng 12-2020). Ảnh: P.LAN

Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) nhận định, trong 5 năm đến, Đà Nẵng có nhiều thời cơ mới. Chính phủ và chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chính sách mới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đà Nẵng đã đưa ra mục tiêu và kế hoạch xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, với sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực hơn trong ứng dụng công nghệ mới, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang có xu hướng phát triển mạnh về quy mô và có khả năng đầu tư nhiều hơn cho các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên và toàn xã hội cũng đã được nâng cao.

Tuy vậy, ông Khương cho rằng, có 3 thách thức lớn mà Đà Nẵng phải đối mặt. Các nguồn lực và hạ tầng hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố còn hạn chế so với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn của nhiều quốc gia trong khu vực. Đội ngũ chuyên gia, cố vấn chuyên nghiệp cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng và miền Trung còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về tài chính - đầu tư hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa khuyến khích “giữ chân” các startup tiềm năng, chưa thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn ra cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn nhấn mạnh, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng hiện nay chưa thực sự bền vững, đến từ những nguyên nhân chủ yếu như cơ chế chính sách, hành lang pháp lý còn hạn chế, chưa có những thành tố nhà đầu tư thiên thần, ngân hàng tham gia vào hệ sinh thái, tập trung chưa hiệu quả vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... Ông Quân nói: “Ươm tạo doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nên được xem là trái tim của hệ sinh thái khởi nghiệp để thương mại hóa công nghệ, đổi mới sáng tạo. Vì vậy, rất cần các cơ chế, chính sách đột phá từ trung ương và địa phương cho hoạt động ươm tạo doanh nghiệp. Khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu, tập đoàn hình thành các chương trình ươm tạo cho lĩnh vực của mình, xem đây là nhiệm vụ quan trọng để hình thành nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chính sách đầu tư ở khu công nghệ cao cần khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ phát triển chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, có thể xem là chỉ tiêu cần thiết trong phê duyệt chủ trương đầu tư, vừa hỗ trợ startup và vừa tiếp cận, hợp tác công nghệ với nhà đầu tư”.

Là “cánh chim đầu đàn” của khởi nghiệp Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp thành phố (DNES) xác định tầm nhìn và sứ mệnh trong giai đoạn 2021-2025 là một vườn ươm doanh nghiệp hợp tác công-tư hoạt động theo định hướng phát triển bền vững; mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; định vị thương hiệu DNES là trung tâm đổi mới sáng tạo trên trường khởi nghiệp quốc gia và quốc tế. Theo đó, nhiệm vụ trung tâm của DNES trong 5 năm đến là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ông Võ Duy Khương khẳng định: “Bản thân DNES cũng là một doanh nghiệp khởi nghiệp. Với vai trò “bà đỡ” của chính quyền thành phố cùng tâm huyết và sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ công ty, trong 5 năm qua, DNES đã bước đầu xây dựng thương hiệu là “trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển”. Đó chính là giá trị có ý nghĩa xã hội của thương hiệu DNES, mang đến cho giới khởi nghiệp, đội ngũ doanh nhân và chính quyền thành phố niềm tin về một trung tâm đổi mới sáng tạo trong tương lai”.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Văn Hoàng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi theo Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21-8-2020 cho một số trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, đề xuất thí điểm một số cơ chế chính sách thử nghiệm (sandbox) nhằm xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn Đà Nẵng năm 2021, với các nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp của Đà Nẵng, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để lồng ghép triển khai Đề án xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng gắn với tổ chức triển lãm trực tuyến trên nền tảng thực tế ảo vFairs; hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia cuộc thi startup trong nước và quốc tế để nâng cao năng lực, kinh nghiệm và kết nối đầu tư… “Thành phố đặt ra mục tiêu hỗ trợ ít nhất 30 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hình thành, phát triển và thương mại hóa sản phẩm trong năm 2021”, ông Hoàng nói.

PHONG LAN

.