Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung là "chìa khóa" để phát triển Đà Nẵng thành đô thị đặc biệt

.

Ngày 3-3, Báo Đà Nẵng tiếp tục nhận được một số ý kiến bày tỏ sự đồng tình, tin tưởng; đồng thời có những trao đổi nhằm hướng tới xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố đặc biệt” như ý kiến phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hôm 1-3.

Ông Lê Tự Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thái Phiên: Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố đặc biệt của Việt Nam trong tương lai

Qua theo dõi cuộc họp về điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa qua, tôi vui mừng khi được biết Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đà Nẵng phát triển thành thành phố loại đặc biệt của Việt Nam trong tương lai không xa. Đà Nẵng hiện là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, cũng là hạt nhân của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, việc phát triển từ đô thị loại 1 thành đô thị đặc biệt là hướng đi tích cực để đưa Đà Nẵng lên tầm cao mới về chất lượng và quy mô. Tôi cũng rất vui mừng khi Chính phủ quan tâm đến sự phát triển của Đà Nẵng; bên cạnh đó cũng nhất trí với chỉ đạo của Thủ tướng. Tôi tin tưởng đội ngũ lãnh đạo thành phố hiện nay sẽ phát huy ý chí, tinh thần trách nhiệm và năng lực để đưa Đà Nẵng phát triển vượt bậc, thực sự là thành phố đáng sống.

TS Võ Văn Chi, Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Khoa học - Công nghệ và Ươm tạo, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng: Ba nhóm giải pháp để đi lên từ vị trí đô thị loại 1

Là công dân thành phố, tôi rất phấn khởi khi nghe ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xác định quy hoạch Đà Nẵng trở thành đô thị đặc biệt. Tôi tin tưởng định hướng này cũng phù hợp tình cảm, mong mỏi, khát vọng của nhân dân đối với thành phố trong chặng đường phát triển sắp tới. Với góc độ chuyên gia, tôi cho rằng, Đà Nẵng sau gần 20 năm là đô thị loại 1, đủ để tích lũy, hội tụ các yếu tố cần thiết và xin đề xuất tập trung vào ba nhóm giải pháp. Một là, phát triển theo mô hình đô thị nén là khoa học và phù hợp với thực tế quy mô diện tích đô thị tương đối nhỏ. Hai là, phát triển trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á; đồng thời phát huy bản sắc văn hóa đa dạng của địa phương. Ba là, phát triển kinh tế đồng bộ, hài hòa, tương hỗ giữa công nghiệp và du lịch, nâng cao khả năng chống chịu của kinh tế - xã hội thành phố.

Mặc dù cơ hội luôn đi kèm theo thách thức và chắc chắn thành phố còn rất nhiều việc cần làm nhưng tôi hy vọng sẽ sớm được thấy định hướng trên trở thành hiện thực. Dĩ nhiên, Đà Nẵng không thể phát triển một mình mà luôn cần đồng hành với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt là tỉnh Quảng Nam lân cận vốn có nhiều nét tương đồng và nguồn lực cần thiết để hai địa phương bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển, giúp Đà Nẵng sớm trở thành một đô thị đặc biệt cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Viết Hùng, trú đường Nguyễn Phan Vinh, quận Sơn Trà: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung là “chìa khóa” mở tiếp “cánh cửa” thành công

Sau khi đọc báo thấy Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành “thành phố đặc biệt”, tôi đã tìm hiểu thông tin và được biết rằng, từ cách đây 8 năm, Thủ tướng đã đề cập đến việc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt. Cụ thể, tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: “Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững”.

Trong khi đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á”. Còn theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, đô thị loại đặc biệt là đô thị có vị trí, chức năng, vai trò là thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 5 triệu người trở lên, khu vực nội thành đạt từ 3 triệu người trở lên. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 3.000 người/km2 trở lên, khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 12.000 người/km2 trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 70% trở lên, khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên. Ngoài ra, còn phải đạt một số chỉ tiêu theo quy định về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị...

Tôi nghĩ rằng, để trở thành thành phố đặc biệt, trong thời gian đến, Đà Nẵng cần quyết tâm cao để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trong đó, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt chính là một “chìa khóa” để mở tiếp “cánh cửa” thành công cho Đà Nẵng.

K.NINH - P.LAN - H.HIỆP lược ghi

;
;
.
.
.
.
.