Kinh tế

KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29-3-1975 - 29-3-2021)

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

08:34, 29/03/2021 (GMT+7)

Thời gian qua, du lịch là ngành kinh tế mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng phát triển chiến lược mang tính bền vững của thành phố. Tuy vậy, để ngày càng phát triển, ngành du lịch cần tiếp tục đổi mới trước bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Các sản phẩm du lịch nên được xây dựng gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương. TRONG ẢNH: Du khách trải nghiệm nghề làm bánh tráng truyền thống tại Lễ hội Chào năm mới 2021. 				  Ảnh: THU HÀ
Các sản phẩm du lịch nên được xây dựng gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương. TRONG ẢNH: Du khách trải nghiệm nghề làm bánh tráng truyền thống tại Lễ hội Chào năm mới 2021. Ảnh: THU HÀ

Tạo được dấu ấn lớn

Du lịch là một trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng theo tinh thần Nghị Quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã có những bước tăng trưởng rất ấn tượng, tạo được dấu ấn trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế bằng một loạt các giải thưởng mang tầm quốc tế.

Nhiều sự kiện quốc tế lớn đã được tổ chức tại Đà Nẵng như: Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng, Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và MICE, Lễ hội Cocofest 2016, Cuộc thi Marathon quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Cuộc thi Iron Man 70.3 Việt Nam, Tuần lễ cấp cao APEC 2017... là minh chứng khẳng định thương hiệu của điểm đến Đà Nẵng.

Các sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng và nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Đó là các khu vui chơi mới tại Khu du lịch Sun World Ba Na Hills như: Khu làng Pháp, Fantasy Park; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài nâng cấp đưa vào sử dụng các sản phẩm dịch vụ mới; tổ hợp du lịch cao cấp Da Nang Mikazuki Japanese Resort&spa cũng được đưa vào sử dụng...

Ngoài ra, sự góp mặt của các thương hiệu lớn trong lĩnh vực du lịch như Tập đoàn Sun Group, Vin Group, BRG... đang góp phần thay đổi diện mạo du lịch thành phố theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.

Các dự án hạ tầng hỗ trợ, phục vụ du lịch cũng đang được thành phố xúc tiến, triển khai để hình thành các sản phẩm du lịch mới như: khởi công công trình Vườn tượng APEC mở rộng, mở rộng sân đỗ máy bay về phía bắc (giai đoạn 2) tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, dự án tổ hợp khách sạn BRG Danang Golf  Resort...

Năm 2019, Đà Nẵng đón khoảng 8,7 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế và 5,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch năm 2019 đạt khoảng 30.973 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2018.

Vượt qua khó khăn

Dịch bệnh xảy ra đã tác động không nhỏ đến ngành du lịch của thành phố. Trong năm 2020, số khách do cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, giảm 63,2% so cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 75,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng.

Những người làm du lịch đều nhìn nhận, dịch bệnh đã khiến ngành du lịch phải thay đổi, do vậy, việc tái cơ cấu, đổi mới sản phẩm du lịch cho phù hợp với tình hình thực tế là cần thiết. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phân tích, khi chưa có dịch thì xu hướng đi du lịch của du khách đã có nhiều biến chuyển, nhưng chưa rõ nét.

Sau khi dịch bệnh xảy ra, ngành du lịch cần thời gian để phục hồi, nhanh chóng tái cấu trúc, cơ cấu lại ngành theo cách vừa thay đổi thói quen tiêu dùng của khách du lịch, vừa thay đổi cơ cấu nguồn khách, cơ cấu dịch vụ của điểm đến bằng cách nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.

Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours, việc đổi mới để sớm phục hồi cũng như phát triển ngành du lịch là rất cần thiết. Thông thường khách du lịch thường ít khi chọn các điểm đến riêng lẻ. Đà Nẵng cần liên kết với các địa phương khác nhằm tạo ra nhóm sản phẩm phù hợp để đón khách đoàn.

“Sau khi có sản phẩm cụ thể thì nên xúc tiến các thị trường phù hợp, vạch ra các kế hoạch ngắn hạn để thực hiện cho dễ. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến các sản phẩm hiện có bằng cách giữ nguyên chất lượng sản phẩm dịch vụ, chứ không nên lấy lý do tác động của dịch bệnh mà để chất lượng bị ảnh hưởng”, ông Tùng gợi ý.

Phát triển hài hòa, bền vững

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại - dịch vụ - du lịch Omega (Omega tour) bày tỏ, ở thời điểm hiện nay, việc tái cấu trúc ngành, bổ sung thêm sản phẩm du lịch là rất cần thiết để phục vụ khách du lịch. Đây cũng là cách để phát triển du lịch bền vững nhất.

Song, cần có sự định hướng từ chính quyền địa phương để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, hình thành thêm sản phẩm du lịch phù hợp với từng thị trường khách cũng như thị hiếu của khách.

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, năm 2021 toàn ngành du lịch nỗ lực khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực khôi phục hoạt động du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh; triển khai các nhiệm vụ thực hiện chủ đề năm 2021 của thành phố “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” và Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị “Phát triển du lịch bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch”; từng bước phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố.

Xây dựng kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá điểm đến Đà Nẵng giai đoạn 2021-2022 đặc biệt chú trọng công tác truyền thông thông qua ứng dụng công nghệ 4.0 với các hình thức video, MV ca nhạc, clip ngắn... Ngành du lịch tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dịch vụ, chú trọng kết nối các doanh nghiệp để triển khai các chương trình kích cầu thu hút khách và khôi phục phát triển du lịch thành phố trong thời gian tới.

THU HÀ

.