Ứng dụng mô hình du lịch thông minh

.

Sau gần 3 năm triển khai nghiên cứu và thử nghiệm, sản phẩm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử trên nền tảng STSC - Smart Tourist Service Center (hệ thống Trung tâm Du lịch dịch vụ thông minh) của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng đã nghiệm thu thành công và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Đây là một trong những mô hình giải quyết bài toán số hóa ngành du lịch theo định hướng phát triển của thành phố.

Hướng dẫn viên giới thiệu sản phẩm du lịch thực nghiệm cho du khách tại Bảo tàng Đà Nẵng.(Ảnh chụp tháng 3-2020). Ảnh: VĂN HOÀNG
Hướng dẫn viên giới thiệu sản phẩm du lịch thực nghiệm cho du khách tại Bảo tàng Đà Nẵng. (Ảnh chụp tháng 3-2020). Ảnh: VĂN HOÀNG

Từ những hạn chế của các website, ứng dụng giới thiệu về du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố như: thiếu tính sinh động, thu hút đối với các thông tin quảng bá về các điểm du lịch..., nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng đã đề xuất và xây dựng mô hình phát triển một số dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử trên nền tảng STSC. Đây là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ phát triển du lịch thông minh của Đà Nẵng, được triển khai nghiên cứu từ tháng 10-2017 và hoàn tất nghiệm thu thực tế vào tháng 10-2020.

Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, Chủ nhiệm đề tài cho biết, mô hình trên bao gồm nền tảng hệ thống và các dịch vụ cung cấp những chức năng, tiện ích phục vụ cho 3 nhóm đối tượng: du khách, tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Du khách có thể sử dụng điện thoại di động để tương tác, tìm hiểu về các điểm du lịch có thể đến.

Đặc biệt có thể trải nghiệm trước bằng công nghệ thực tế ảo; được hỗ trợ thông tin qua dịch vụ web trực tuyến mà STSC cung cấp; sử dụng thẻ du lịch đa năng để thanh toán tại các điểm tham quan, cơ sở dịch vụ du lịch… Các doanh nghiệp, tổ chức được cung cấp, bày bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên hệ thống; hỗ trợ thanh toán di động để thu phí tiện ích; kiểm soát vào/ra; báo cáo thống kê tình hình khai thác dịch vụ; ghi nhận và phản hồi ý kiến du khách để vừa quảng bá, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ. Thông qua mô hình, các cơ quan chức năng còn quản lý được hoạt động du lịch của du khách; minh bạch hóa toàn bộ quá trình khai thác dịch vụ du lịch của các tổ chức cung cấp; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nói chung…

Sau gần 3 năm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được kiến trúc tổng thể hệ thống dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách theo định hướng thành phố thông minh và Chính phủ điện tử. Cùng với đó là ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại trong việc hỗ trợ phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh như phân tích dữ liệu (Data Analytics), dịch vụ hướng ngữ cảnh, mạng internet vạn vật, kiến trúc vi dịch vụ.

Các sản phẩm phần cứng gồm: thẻ du lịch thông minh DaNang City pass, hệ thống KIOSK quảng bá du lịch đa phương tiện, đa ngôn ngữ, hệ thống kiểm soát vào và ra, thiết bị POS chuyên dụng phục vụ thu phí tại điểm du lịch và đã đưa ra thực nghiệm tại 5 điểm trên địa bàn thành phố (gồm: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cổng số 1 và động Âm Phủ trong Danh thắng Ngũ Hành Sơn) được đánh giá có tính thực tiễn cao...

“So với một số mô hình du lịch hiện nay, sản phẩm này có sự độc đáo và đặc sắc hơn khi cung cấp đầy đủ hệ thống dịch vụ hỗ trợ và quản lý hiệu quả cho cả 3 nhóm đối tượng gồm: du khách, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch và phục vụ cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch để quản lý, nắm tình hình của du khách lẫn các tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch”, Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, để đưa sản phẩm nghiên cứu vào thực tiễn cần sự chung tay, góp sức của cả lực lượng là nhóm nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu cần tạo ra nền tảng công nghệ tốt, tiếp cận được với những công nghệ số mới; các cơ quan chức năng phải có cơ chế hỗ trợ phù hợp khi lựa chọn sản phẩm này thành hệ thống phát triển chính thức để cập nhật thông tin chính thống, quảng bá du lịch của thành phố; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đưa các dịch vụ lên hệ thống để triển khai chào bán sản phẩm, cung cấp thông tin dịch vụ, tiếp nhận việc booking (đặt trước dịch vụ du lịch) của du khách.

“Mô hình trên không chỉ góp phần quảng bá du lịch cho thành phố mà còn giải quyết phần nào bài toán số hóa du lịch, phù hợp với định hướng phát triển thành phố thông minh của Đà Nẵng. Tuy nhiên, cái khó là làm sao để thông tin này tiếp cận được khách hàng, thuyết phục khách hàng mua và sử dụng các dịch vụ trên hệ thống. Điều này, đòi hỏi nguồn lực rất lớn về nhân lực, tài chính để duy trì, phát triển khi hệ thống này được triển khai”, ông Cao Trí Dũng đánh giá.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương, sản phẩm của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng có tính thực tiễn và độ khả thi cao khi áp dụng, đáp ứng được nhu cầu ứng dụng và phát triển du lịch thông minh, tạo ra những phần mềm phục vụ cho du khách trước và khi đến với thành phố; giúp các doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch, dịch vụ. Trong thời gian đến, Sở Du lịch sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ để mô hình sớm triển khai và đưa vào hoạt động, qua đó góp phần từng bước đưa Đà Nẵng thành thành phố thông minh hơn, đáng trải nghiệm du lịch hơn.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.