Kinh tế

Doanh nghiệp ngành dịch vụ nhà hàng: Tìm hướng đi mới

13:45, 03/04/2021 (GMT+7)

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của Covid-19 nhưng các doanh nghiệp ngành F&B (Food and Beverage - dịch vụ nhà hàng và quầy uống) cho rằng đây là dịp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. Các doanh nghiệp nhạy bén sẽ chuyển từ khó khăn sang nắm bắt những thời cơ mới để vươn lên.

Doanh nghiệp ngành F&B đang tái cơ cấu, tìm hướng đi mới để thích ứng với thị trường. TRONG ẢNH: Thực khách dùng bữa tại nhà hàng Thai Market. Ảnh: M.QUẾ
Doanh nghiệp ngành F&B đang tái cơ cấu, tìm hướng đi mới để thích ứng với thị trường. TRONG ẢNH: Thực khách dùng bữa tại nhà hàng Thai Market. Ảnh: M.QUẾ

Năm 2020 là một năm kinh doanh hiệu quả của Công ty TNHH cà phê Mayaca khi doanh thu tăng 30% so với năm 2019; đồng thời sản phẩm cà phê Mayaca M4 được UBND thành phố công nhận là sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng của Đà Nẵng.

Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Mayaca Hồ Đức Tiến cho hay, hiện doanh nghiệp đang kinh doanh 3 quán cà phê cùng 1 xưởng rang xay mang thương hiệu Mayaca và phân phối cà phê cùng máy pha cà phê cho khoảng 300 quán trên địa bàn thành phố, tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

“Ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, doanh thu các tháng đó vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước bởi công ty tăng cường bán hàng qua các trang thương mại điện tử. Tuy đạt được những kết quả kinh doanh tốt trong năm vừa qua nhưng với mục tiêu doanh thu năm 2021 sẽ tăng 40% so với năm 2020 đòi hỏi nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp. Cụ thể, chúng tôi tiếp tục hướng tới việc khẳng định thương hiệu cà phê sạch bằng cách có thêm nhiều sản phẩm đặc sắc với giá thành tốt hơn để người tiêu dùng có thể tiếp cận, đẩy mạnh nghiên cứu và nâng chất lượng sản phẩm sẵn có”, ông Hồ Đức Tiến chia sẻ.

Trong khi đó, với Công ty TNHH Thương mại Liên Phú Hưng - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu “đặc sản dê núi Ninh Bình” tại Đà Nẵng, Covid-19 thực sự là một thử thách với doanh nghiệp. Giám đốc Công ty TNHH thương mại Liên Phú Hưng Trần Thanh Hoàng bày tỏ, việc khai trương nhà hàng Hoa Lư thứ 2 tại quận Cẩm Lệ vào năm 2020 vừa qua là một quyết định chưa chính xác khi chi nhánh này đã phải đóng cửa sau vài tháng vận hành trước tác động của Covid-19. Đặc biệt, sau đợt dịch lần thứ 3 vừa qua, đặc điểm của thị trường F&B sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết, có tính thanh lọc mạnh.

Để ứng phó, doanh nghiệp chọn giải pháp tái cơ cấu nhân sự và tái cấu trúc điểm bán hàng, cụ thể doanh nghiệp sẽ tập trung vào 3 tiêu chí là “đồ ăn ngon”, “menu đa dạng” và “tăng khuyến mãi”. Theo đó, doanh nghiệp liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi như “giờ vàng giảm giá”, tặng miễn phí món khai vị, bán theo combo (mua nhiều để được giảm giá).

Song song đó, doanh nghiệp cũng nhận làm dịch vụ đặt tiệc tại nhà cho những khách hàng có nhu cầu. Ông Hoàng cho rằng, việc lựa chọn điểm bán hàng trong lúc này là cực kỳ quan trọng khi dòng vốn phải liên tục xoay vòng, doanh nghiệp không có nhiều cơ hội để sửa sai.

Cũng tìm hướng đi mới trong việc tái cấu trúc điểm bán hàng, Giám đốc Công ty TNHH Thai Market Lê Thái Hoàng cho biết, qua năm 2020, doanh nghiệp đã nhìn nhận và đánh giá đúng nguồn lực của mình tới đâu, giảm bớt một số nhà hàng chưa thực sự hiệu quả, qua đó lập kế hoạch quản trị lại nguồn vốn, đánh giá đúng nhu cầu mới của thị trường để phản ứng nhanh với nó. Xu hướng của ngành F&B trong năm 2021 là những mô hình đơn giản, tiện lợi, đầu tư thấp.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng càng trở nên khắt khe và yêu cầu nhiều hơn. Hiện tại, rất nhiều khách hàng tìm kiếm những trải nghiệm ăn uống độc đáo, mang lại cảm giác thú vị cho họ khi tới nhà hàng. Để bắt theo xu hướng này, Thái Market đã thay đổi cơ cấu tất cả các nhà hàng, tuyển dụng và đào tạo nhân viên chuyên nghiệp, bài trí nhà hàng bắt mắt hơn, ra mắt 2 món mới đó là Pi Thai - Hủ tiếu Thái Lan và MorFai - Buffet Lẩu Thái; đồng thời khai trương chi nhánh đầu tiên tại Hà Nội để mở rộng thị trường.

Bên cạnh việc tái cấu trúc các điểm bán hàng, các doanh nghiệp F&B trên đều nhìn nhận xu hướng tiêu dùng đang có những thay đổi nhất định, nhất là xu hướng mua hàng đồ ăn, thức uống trực tuyến khi hình thức này giúp tiết kiệm thời gian và có nhiều khuyến mãi cho khách hàng, hạn chế việc phải tới nơi đông người. Theo ông Hồ Đức Tiến, dù khách hàng của Mayaca phần lớn vẫn là khách hàng tới thưởng thức cà phê tại quán, nhưng thị trường bán hàng trực tuyến vẫn là mảnh đất tiềm năng.

Qua một số lần khuyến mãi trên các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến như: Now, Grab Food… có thể thấy số lượng đơn hàng rất nhiều. Tuy vậy, việc kinh doanh qua mạng internet sẽ đòi hỏi rất lớn sự cạnh tranh về giá cả. Cùng quan điểm, ông Lê Thái Hoàng cho rằng, việc liên kết với các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến là xu thế tất yếu, song, để chiếm được thị phần của lĩnh vực này đòi hỏi doanh nghiệp phải làm tốt công tác marketing, cũng như phải điều chỉnh hoạt động mua bán tại kênh bán hàng trực tuyến để trở nên thu hút hơn.

MAI QUẾ

.