Đà Nẵng - Quảng Nam hợp tác cùng phát triển

.

Mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua đã mở ra triển vọng hợp tác phát triển giữa hai địa phương, được cụ thể hóa bằng việc liên kết, hỗ trợ để cùng phát triển.

Thường trực Thành ủy Đà Nẵng (bên phải) và Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam tại hội nghị hợp tác, phát triển giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. (Ảnh chụp tháng 11-2020) 						           		            Ảnh: XUÂN SƠN
Thường trực Thành ủy Đà Nẵng (bên phải) và Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam tại hội nghị hợp tác, phát triển giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. (Ảnh chụp tháng 11-2020) Ảnh: XUÂN SƠN

Mối quan hệ bền chặt

Từ nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn coi trọng việc phát triển hợp tác với các địa phương, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam; xem đây là một trong những chủ trương mang tính xuyên suốt, lâu dài và không tách rời của quá trình xây dựng, phát triển thành phố.

Mối quan hệ hợp tác phát triển Đà Nẵng - Quảng Nam được minh chứng sinh động qua chương trình hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương theo Kết luận số 08-KL/TUĐN-TUQN, ngày 1-11-2007 của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam,  hay Thông báo kết luận số 385-TB/TU ngày 30-5-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về kết quả hai năm thực hiện liên kết, hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Các nội dung trên thể hiện nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo hai địa phương nhằm thực hiện tinh thần “chia mà không tách” từ khi Quảng Nam và Đà Nẵng tái lập thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997); đồng thời tạo nền tảng để hai địa phương hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển. Đà Nẵng và Quảng Nam đã đẩy mạnh hợp tác từ quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch và đào tạo nhân lực đến hỗ trợ phát triển kinh tế, xúc tiến đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản, y tế...

Theo TS. Mai Văn Bảy (Đại học Đà Nẵng), lịch sử đã để lại cho dải đất Quảng Nam - Đà Nẵng những mối liên hệ mật thiết, không thể tách rời, hai địa phương tuy “hai mà một”. Hiếm có địa phương nào mà những liên kết về mặt địa lý bền chặt như hai nơi này.

Đó là những con sông bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn uốn lượn qua các làng mạc hợp lưu, rồi lại chia tách mang phù sa bồi đắp cho hai địa phương. Đó là những tuyến đường liền mạch Sơn Trà - Điện Ngọc; Ngũ Hành Sơn - Hội An; cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ; Hòa Vang - Đại Lộc; Hòa Vang - Điện Bàn... Quảng Nam - Đà Nẵng kết nối chặt chẽ với nhau qua các tuyến đường hiện hữu như quốc lộ 1A, tuyến đường sắt và đường Hồ Chí Minh...

Mối liên kết cùng phát triển Đà Nẵng- Quảng Nam cũng đã mở ra những thuận lợi mới cho chính các doanh nghiệp, tạo cơ hội mới cho các dòng đầu tư trong và ngoài nước đổ về miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng - Quảng Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực về tiềm năng, lợi thế, phải nhìn nhận một cách khách quan, việc hợp tác giữa hai bên trong một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Do đó, thời gian đến cần phải đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết giữa hai địa phương.

Đẩy mạnh hợp tác

KTS Hồ Phước Phương, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Tư vấn xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, hai địa phương đã tích cực phối hợp triển khai nhiều hoạt động hợp tác về phát triển như: liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng tam giác Đà Nẵng - Hội An - Điện Bàn; đẩy mạnh triển khai dự án Làng Đại học Đà Nẵng, dự án khơi thông sông Cổ Cò.

Mặt khác, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác phát triển hạ tầng giao thông kết nối; phối hợp xây dựng phương án điều tiết nước giữa sông Vu Gia và sông Thu Bồn nhằm bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ du tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trong mùa khô.

Hai bên đã hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu, nền tảng xây dựng thành phố thông minh, cùng nhiều chương trình hợp tác về văn hóa, an sinh xã hội. Gần đây, tỉnh Quảng Nam đề xuất hỗ trợ xây dựng cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên; về nghiên cứu tính khả thi của dự án đường sắt du lịch Đà Nẵng - Hội An; nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn kiên cố trên sông Cầu Đỏ; và một số nội dung khác về phát triển đô thị, văn hóa, giáo dục, y tế...

Hiện tại, để những mắt xích liên kết trong quy hoạch dài hạn, thông qua những đồ án quy hoạch mang tính định hướng liên kết chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045, bên cạnh yêu cầu các địa phương hoàn thiện những tiêu chí quy hoạch của địa phương mình, đòi hỏi đồ án quy hoạch phải bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương và liên kết địa phương với khu vực.

Để tạo mối liên kết Quảng Nam - Đà Nẵng song hành cùng phát triển khu vực và đất nước, Đà Nẵng đã chủ động lập quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó sẽ tiếp tục xây dựng, nâng cấp quốc lộ 14B, đoạn từ Túy Loan đến cầu Hà Nha (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), đoạn qua địa phận Đà Nẵng dài khoảng 8km, đạt quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe.

Đồng thời nâng cấp quốc lộ 14G từ huyện Hòa Vang đi huyện Tây Giang (Quảng Nam), đoạn qua địa phận Đà Nẵng dài khoảng 23km, đạt quy mô thiết kế đường cấp 3 đồng bằng; phát triển các tuyến đường thủy: sông Hàn - sông Cổ Cò - sông Thu Bồn, sông Hàn - sông Vĩnh Điện - sông Thu Bồn; tuyến từ vịnh Đà Nẵng đi Cù Lao Chàm để kết nối trung tâm thành phố với Hội An, phục vụ phát triển du lịch.

Cùng với đó là việc phối hợp trong bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, phối hợp kiểm soát nghiêm ngặt về môi trường các vùng giáp ranh; đánh giá tác động môi trường đối với các dự án hoạt động kinh tế - xã hội dọc sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Yên, sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò, chia sẻ nguồn nước từ các dòng sông này, cũng như kiểm soát tốt ô nhiễm nguồn nước từ việc khai thác khoảng sản, vàng...

THÀNH LÂN - MINH HÀ

;
;
.
.
.
.
.