Đồng hành doanh nghiệp đổi mới công nghệ

.

Đổi mới công nghệ là một trong những biện pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và tạo dựng vị thế trên thị trường. Từ năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

Máy sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Châu Đà (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ), thiết bị được thành phố hỗ trợ đổi mới công nghệ. Ảnh: P.LAN
Máy sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Châu Đà (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ), thiết bị được thành phố hỗ trợ đổi mới công nghệ. Ảnh: P.LAN

Công nghệ là yếu tố quan trọng

Đi vào hoạt động từ năm 2000, Công ty CP Điện Trường Giang (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) chuyên sản xuất tủ điện trung thế, hạ thế, trạm kiosk… cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Ngọc Thống, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, trong thời kỳ hội nhập, việc đầu tư đổi mới công nghệ trở thành yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Lúc này, giá cả không còn là vấn đề quyết định mà chính là công nghệ.

“Những năm qua, chúng tôi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để có được công nghệ tiên tiến phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Năm 2010, Công ty CP Điện Trường Giang trở thành đơn vị tiên phong của cả nước đạt được chứng nhận type-test của phòng thí nghiệm độc lập và danh tiếng thế giới ASTA cho cả 2 sản phẩm tủ trung thế và tủ hạ thế, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình phát triển của công ty. Với các máy móc hiện đại, chúng tôi có thể tự tin bảo đảm thực hiện các đơn hàng lớn, qua đó kết nối thêm các khách hàng mới trong khu vực”, ông Thống nói.

Năm 2020, sau đánh giá thẩm định của Sở KHCN, Công ty CP Điện Trường Giang được thành phố hỗ trợ 600 triệu đồng mua thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ (máy cắt laser sợi quang AMADA LCG3015AJ).

Cũng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu miền Trung trong lĩnh vực chế tạo thiết bị công nghiệp nặng, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đã chủ động nghiên cứu, thiết kế các máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, năng suất cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đây cũng là đơn vị cơ khí đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu chế tạo thành công máy lốc thép tấm dày đến 80mm sử dụng kết cấu 5 trục, tiết kiệm nhiên liệu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng giúp giảm chi phí, giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công, tạo ra những sản phẩm có chất lượng quốc tế, thay thế máy nhập ngoại.

Cuối tháng 2 vừa qua, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường đã được hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ trị giá 930 triệu đồng cho loại máy này, nâng tổng mức hỗ trợ mà công ty được nhận từ nguồn kinh phí đổi mới công nghệ của thành phố lên đến hơn 1,6 tỷ đồng (3 lần hỗ trợ).

Ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc công ty cho biết, máy lốc thép này có thể ứng dụng cho những sản phẩm hình ống có độ dày trên 50mm và to lớn như cột điện gió, thay vì phải nhập khẩu với giá thành rất đắt đỏ, vận chuyển khó khăn và chi phí cao.

Hiện tại, công ty đã nhận được các đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp lớn tại Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai…Với sự hỗ trợ của thành phố, ông kỳ vọng đây sẽ là động lực để doanh nghiệp đổi mới và phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Tháng 7-2020, dự án nghiên cứu, chế tạo máy sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Châu Đà (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đã được thành phố quyết định hỗ trợ đổi mới công nghệ với mức 75% tổng kinh phí dự án.

Ông Tô Tấn Trung Dũng, Giám đốc công ty cho hay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên nhu cầu về khẩu trang y tế tăng lên nhanh chóng, số lượng đơn vị có nhu cầu mua thiết bị sản xuất khẩu trang cũng gia tăng. Trước tình hình đó, công ty đã nghiên cứu và chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế với giá thành thấp hơn máy nhập khẩu.

Theo Hội đồng đánh giá (gồm đại diện một số sở liên quan và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng), việc chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế của Công ty Châu Đà là quá trình nghiên cứu giải mã công nghệ, từ đó thiết kế và chế tạo thiết bị, làm chủ công nghệ.

Đồng hành doanh nghiệp

Những năm qua, nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Sở KH&CN đã thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đổi mới công nghệ, chủ yếu tập trung vào hoạt động nghiên cứu, triển khai, chuyển giao công nghệ, giải pháp kỹ thuật, thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ tiên tiến, đổi mới quy trình công nghệ; hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ…

Đây là chính sách đặc thù riêng của thành phố đã được triển khai hiệu quả, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, thay thế được hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

Từ năm 2016 đến nay, sở đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ cho 67 lượt doanh nghiệp, giải ngân kinh phí hỗ trợ 7,445 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động đổi mới công nghệ như: Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty CP Công nghệ QCM, Công ty CP Điện Trường Giang, Công ty CP Công nghệ Đức Huy, Công ty CP Nhôm kính Nam Ân, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Minh Thành Lợi… Đây là những đơn vị đi đầu trong hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, chế tạo máy móc thiết bị công nghệ, mua thiết bị công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tiến tới thành lập doanh nghiệp KH&CN, Sở KH&CN đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo khoa học để qua đó góp phần nâng cao nhận thức về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; tầm quan trọng của việc hình thành doanh nghiệp KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.