Nêu cao ý thức phòng, chống dịch ở khu công nghiệp

.

Kể từ khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên tại Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng (quận Sơn Trà), công tác phòng, chống dịch ở các KCN trên địa bàn thành phố được nâng lên cấp độ cao nhất.

Công nhân thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống Covid-19 trong quá trình sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung (quận Sơn Trà). 			 				                          Ảnh: KHÁNH HÒA
Công nhân thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống Covid-19 trong quá trình sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung (quận Sơn Trà). Ảnh: KHÁNH HÒA

Nhiều cách làm sáng tạo

Hơn 10 ngày kể từ khi thành phố ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại KCN Đà Nẵng, công tác phòng, chống dịch tại Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung (KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, quận Sơn Trà) được kích hoạt ở mức tối đa. Hàng loạt biện pháp bảo vệ được triển khai nhằm bảo đảm không gian làm việc sạch sẽ cho gần 900 công nhân thường xuyên làm việc tại các nhà máy.

Bà Trương Như Thiên Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung chia sẻ, trải qua 4 lần bùng phát dịch bệnh, tổng kinh phí đơn vị bỏ ra để bảo đảm ngăn chặn không cho dịch bệnh xuất hiện trong doanh nghiệp là không hề nhỏ. Với phương châm phòng, chống dịch trước hết là bảo vệ cho chính mình, đơn vị đã thực hiện triệt để tất cả các chủ trương, chỉ đạo của thành phố, Bộ Y tế.

Mới đây, công ty đã chủ động lên phương án thành lập khu vực cách ly tại chỗ để ứng phó với trường hợp xuất hiện ca nhiễm F0 tại doanh nghiệp với sức chứa hàng trăm công nhân. “Vừa qua, 100% cán bộ, công nhân tại công ty đã được quận Sơn Trà tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2, tất cả đều cho kết quả âm tính”, bà Mỵ cho hay.

Không nói nhiều về quy trình phòng, chống dịch của đơn vị vì đã chủ động áp dụng tất cả các biện pháp mà Bộ Y tế và thành phố yêu cầu, ông Maruyama Yugo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Apple Film (KCN Hòa Cầm) bày tỏ ấn tượng trước kết quả phòng, chống dịch của thành phố Đà Nẵng trong hơn 20 ngày qua.

“Ở đợt dịch lần này, mặc dù tình hình phức tạp không thua gì những lần trước, nhưng thành phố đã thay đổi chiến lược phòng, chống dịch một cách hợp lý, chuyên nghiệp và kiên quyết. Nhờ đó, không chỉ không phải giãn cách xã hội, gây xáo trộn lớn đến đời sống của người dân, trong đó có lực lượng công nhân mà doanh nghiệp chúng tôi cũng có cơ hội để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phải nói rằng, phương pháp phòng, chống dịch của thành phố rất linh hoạt, có sự kế thừa và rút kinh nghiệm từ những đợt chống dịch trước”, ông Maruyama Yugo chia sẻ.

Đây là hai trong hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thành phố xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong KCN.

Triển khai xét nghiệm cho công nhân

Nói đến công tác phòng, chống dịch, nhất là trong các KCN trong thời gian qua tại thành phố - một dấu ấn phải kể đến đó là việc thành phố đẩy nhanh thực hiện xét nghiệm miễn phí cho hàng ngàn người dân, trong đó có đối tượng là công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp...

Đằng sau mỗi mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính là niềm vui của hàng ngàn công nhân đang làm việc ở nhiều KCN trên địa bàn thành phố. Đây là tấm giấy “thông hành” để họ an tâm tiếp tục cuộc mưu sinh. Hơn hết, điều đó thể hiện tính nhân văn trong mỗi quyết sách của chính quyền thành phố nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe hàng ngàn công nhân đang lao động ở các KCN, thành phố đang triển khai chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đăng ký cho công nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 trên tinh thần chia sẻ về nguồn lực cũng như chi phí.

Theo ông Bùi Đức Lợi, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), ngay sau khi nhận được văn bản của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng về việc khuyến khích doanh nghiệp đăng ký cho công nhân tham gia xét nghiệm SARS-CoV-2, đơn vị đã triển khai đến 66 doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN.

Đến thời điểm này, cơ bản nhận được sự đồng tình của hầu hết doanh nghiệp. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trọng Cường, Giám đốc Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng, các doanh nghiệp trong KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) và KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng (quận Sơn Trà) đều hưởng ứng chủ trương này, vì theo tính toán, kinh phí xét nghiệm cho mỗi công nhân không quá lớn nhưng lợi ích đem lại cho doanh nghiệp. Đó mới chính là sự an tâm, ổn định và lâu dài trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trước tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Hơn một tuần qua, nhiều đoàn công tác của các sở, ban, ngành thành phố đã tỏa ra các KCN cùng nhiều doanh nghiệp nằm ngoài KCN để kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Trung ương; đồng thời chấp hành nghiêm chủ trương, chiến lược dập dịch của thành phố với phương châm, mỗi doanh nghiệp là “một pháo đài” phòng, chống dịch hiệu quả cho không chỉ doanh nghiệp, KCN, mà còn cho cả thành phố.

KHÁNH HÒA

Ngày 21-5, Sở Công thương ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao) tăng cường thực hiện phòng, chống Covid-19, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm việc phòng, chống Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động; trong đó chú ý thực hiện tốt thông điệp 5K. Các đơn vị chủ động xây dựng kịch bản ứng phó Covid-19 như: giãn cách dây chuyền sản xuất, bố trí lệch ca sản xuất, giãn cách nhà ăn, lắp đặt vách ngăn tại nhà ăn... phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố và tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống Covid-19 của chính quyền các cấp. Sở Công thương yêu cầu mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và thành lập tổ an toàn Covid-19.

QUỲNH TRANG

 

;
;
.
.
.
.
.