Phát triển chợ văn minh thương mại trong xây dựng nông thôn mới

.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), chợ là một tiêu chí quan trọng, góp phần tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn.

Việc đầu tư xây dựng mạng lưới chợ nông thôn đã góp phần tích cực phát triển kinh tế huyện Hòa Vang. TRONG ẢNH: Tiểu thương kinh doanh thực phẩm khô tại chợ Túy Loan.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Việc đầu tư xây dựng mạng lưới chợ nông thôn đã góp phần tích cực phát triển kinh tế huyện Hòa Vang. TRONG ẢNH: Tiểu thương kinh doanh thực phẩm khô tại chợ Túy Loan. Ảnh: QUỲNH TRANG

Đầu tư, nâng cấp chợ

Theo tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ nông thôn được đánh giá có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần xây dựng NTM bền vững. Xuất phát từ vai trò đó, những năm qua, huyện Hòa Vang đầu tư xây dựng 2 chợ trọng điểm trên địa bàn là chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) và chợ Miếu Bông (xã Hòa Phước).

Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có mục tiêu chính là “Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao...”.

Do vậy, việc đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng thương mại là nội dung quan trọng. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, qua mỗi năm, chính quyền địa phương đều có sự đầu tư, nâng cấp cho chợ Túy Loan và chợ Miếu Bông để phục vụ người dân giao thương, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và giữ gìn nét đẹp của chợ vùng nông thôn.

Cụ thể, trong năm 2020, UBND huyện Hòa Vang đầu tư 1,758 tỷ đồng để triển khai nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống đường ống dẫn nước đi nổi tại hàng cá, hàng thịt trong chợ Túy Loan. Đồng thời, lát gạch toàn bộ lối đi còn lại của chợ; lắp đặt mới loa tuyên truyền; nạo vét toàn bộ hệ thống mương thoát nước tại chợ…

Trong khi đó, khác với các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang, xã Hòa Phước hiện còn rất ít đất nông nghiệp. Người dân đa số chuyển đổi ngành nghề sang buôn bán, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Do vậy, xây dựng và đưa vào hoạt động chợ Miếu Bông năm 2011 có ý nghĩa rất lớn với người dân. Chợ Miếu Bông có 244 quầy sạp, kiot; số lượng hộ tiểu thương kinh doanh thực tế là 190 hộ, trong đó có 113 hộ kinh doanh thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hoa (ngành hàng rau hành, lagim chợ Miếu Bông) nói: “Nhờ ở vị trí thuận lợi, chợ Miếu Bông thu hút các nguồn nông sản ở vùng giáp ranh huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đưa về. Buôn bán ở chợ trở thành nguồn thu nhập chính của các gia đình bị thu hẹp đất nông nghiệp. Không chỉ nhập hàng từ các nơi, tiểu thương ở chợ còn thu mua rau vườn theo mùa vụ của các hộ trên địa bàn xã. Các mặt hàng tại chợ vì thế phong phú không khác gì chợ ở trung tâm thành phố”.

Hướng đến chợ văn minh thương mại

Chợ Miếu Bông là chợ đầu tiên của huyện Hòa Vang đạt chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo Quyết định số 5556/QĐ-UBND ngày 21-11-2018 của UBND thành phố Đà Nẵng. Chợ Túy Loan là chợ thứ hai bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2019-2023. Để đạt được kết quả này, hai chợ trên được sắp xếp, quy hoạch mới các khu vực kinh doanh theo từng ngành hàng, không lẫn lộn thực phẩm và phi thực phẩm, thực phẩm sống và chín, khu vực chế biến và khu vực bày bán, ngăn ngừa ô nhiễm chéo; mỗi quầy sạp đều có bảng hiệu ghi rõ tên chủ quầy, sạp và các thông tin cần thiết khác; khu vực tập kết rác thải được bố trí cách xa các ngành hàng thực phẩm; khu vực nhà vệ sinh chung có khoảng cách với các quầy hàng thực phẩm, có trang bị xà phòng diệt khuẩn để rửa tay…

Ông Trần Kim Đính, Trưởng ban Quản lý chợ Túy Loan cho biết: “Chúng tôi vận động 100% hộ tiểu thương hàng ăn uống trước đây di dời sang đình ăn uống mới và tự đóng góp xây dựng quầy kệ hàng ăn uống mới theo quy chuẩn. Người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ được tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; được khám sức khỏe định kỳ, không mắc các bệnh truyền nhiễm; trang phục bán hàng sạch sẽ, lịch sự. Tiểu thương kinh doanh thực phẩm trong chợ và cán bộ quản lý chợ được phổ biến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm...”. Theo ông Đính, sau khi đạt tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm, đơn vị đang hướng đến xây dựng chợ Túy Loan đạt chợ văn minh thương mại vào năm 2025.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.