Phòng bệnh cho thủy sản mùa nắng nóng

.

Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và nuôi trồng thủy sản nước ngọt, ngành nông nghiệp thành phố cùng nông dân đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh, hạn chế thấp nhất rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ các loài thủy sản nuôi.

Nông dân huyện Hòa Vang đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh cho thủy sản mùa nắng nóng. Trong ảnh: Ông Mai Phước Mười, trú thôn Trường Định, xã Hòa Liên đang cho tôm ăn. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nông dân huyện Hòa Vang đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh cho thủy sản mùa nắng nóng. TRONG ẢNH: Ông Mai Phước Mười, trú thôn Trường Định, xã Hòa Liên đang cho tôm ăn. Ảnh: VĂN HOÀNG

Những ngày này, người nuôi tôm tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) lo lắng vì tôm chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch mà phải đối mặt với thời tiết nắng nóng. Với hơn 15 năm kinh nghiệm nuôi tôm, ông Đỗ Trực, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm thôn Trường Định cho biết, tôm là loại thủy sản có sức đề kháng kém, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là thời tiết nên rất dễ phát sinh dịch bệnh, xảy ra tình trạng chết hàng loạt gây thiệt hại nặng cho người nuôi.

Để bảo đảm sự phát triển của tôm nuôi và hạn chế ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nắng nóng, ông Trực phải thường xuyên duy trì và nâng cao mực nước khoảng 1,5m. Đồng thời, tăng cường chạy quạt nước để tránh sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tầng nước trong ao nuôi, nhất là tăng cường hàm lượng ôxy cho tôm sinh trưởng; bổ sung thêm các khoáng chất, vitamin vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; sử dụng men vi sinh để ổn định môi trường trong ao…

“Hiện tôi đang nuôi tôm với diện tích khoảng 8.000m2. Nếu tôm sinh trưởng tốt, không xảy ra dịch bệnh, ước tính sản lượng sẽ đạt khoảng 3 tấn/vụ. Trừ các khoản chi phí, mỗi vụ dự kiến lãi hơn 100 triệu đồng”, ông Trực cho hay.

Trong khi đó, với tổng diện tích gần 62ha ao nuôi thủy sản, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi cá nước ngọt. Thường xuyên dẫn đầu toàn xã về hiệu quả nuôi cá, ông Cao Văn Mễ (trú thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương) chia sẻ, để cá phát triển tốt trong mùa nắng nóng cần bảo đảm mực nước trong ao.

Theo đó, ông cho cá ăn cách ngày (3-4 lần/tuần) để hạn chế tình trạng thừa thức ăn, bảo đảm lượng ôxy trong ao. Thời điểm này, cá phát triển rất chậm, thậm chí dễ dẫn đến tình trạng chết hàng loạt nếu trời quá nóng, vì vậy, người nuôi cá cần thường xuyên theo dõi để có hướng xử lý kịp thời. Hiện gia đình ông Mễ đang nuôi các loại cá theo phương pháp cuốn chiếu trên diện tích khoảng 5.000m2.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang có khoảng gần 113,2ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Trong đó có 7 vùng nuôi với diện tích tập trung lớn, được đầu tư về cơ sở hạ tầng như: thôn Hòa Khương Đông (xã Hòa Nhơn); thôn Khương Mỹ, Cẩm Toại Tây, Nam Thành (xã Hòa Phong); thôn Năm, Hố Mua, Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương). Đối tượng nuôi khá đa đạng, chủ yếu các loại cá như: diêu hồng, trắm cỏ, mè trắng, thác lác, rô phi, basa…

Bên cạnh đó, tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) còn hình thành vùng nuôi tôm thẻ chân trắng và cua nước lợ với diện tích lên đến 23,9ha theo hình tức bán thâm canh. Tuy nhiên, sản lượng nuôi tôm tại đây thường không ổn định, biến động lớn hằng năm. Cụ thể, tổng sản lượng tôm thu được trong năm 2017 là 68,8 tấn; năm 2018 là 17,4 tấn; năm 2019 là 39,6 tấn…

Bà Đặng Thị Yến Khanh, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang thông tin, trước những ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra, người nuôi thủy sản trên địa bàn đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, bảo đảm sự phát triển, sinh trưởng ổn định của các loài nuôi. Đơn cử như theo hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản trong ao, ao cần có độ sâu tối đa khoảng 2m. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai nuôi, người dân phải đào đất sâu từ 2,5m trở lên để bảo đảm mực nước nuôi cá được ổn định trong mùa hè. Nhằm hỗ trợ cho nông dân trong việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt, Phòng NN&PTNT huyện cũng thường xuyên có những khuyến cáo, phối hợp với các đơn vị thực hiện tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, phương pháp nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao.

“Thực hiện chương trình Nông thôn mới, trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã hỗ trợ cho người dân với mức kinh phí không quá 50 triệu đồng/ha đối với cải tạo ao và 10 triệu đồng đối với con giống. Trong thời gian đến, Phòng NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện có những chính sách hỗ trợ người dân để phát triển nuôi trồng thủy sản”, bà Khanh nhấn mạnh.

Theo Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT), thực hiện khuyến cáo của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3 về thời tiết nắng nóng gay gắt trong nuôi trồng thủy sản, đơn vị đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện chủ động theo dõi và hạn chế tác động xấu do thời tiết nắng nóng gây ra. Đồng thời đề xuất các giải pháp giúp nông dân khắc phục, bảo đảm tốt sự sinh trưởng của thủy sản được nuôi.

Theo Chi cục Thủy sản thành phố, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay khoảng 148,5ha. Trong đó, chủ yếu tập trung tại huyện Hòa Vang với gần 113,2ha; quận Ngũ Hành Sơn 19,14ha; quận Liên Chiểu khoảng 9,5ha; quận Cẩm Lệ 6,592ha. Tổng sản lượng nuôi mỗi năm ước lượng khoảng 700 tấn các loại.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích