Tuân thủ nghiêm quy định dừng vận chuyển bằng ứng dụng công nghệ

.

ĐNO - Trước yêu cầu về việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô- tô 2 bánh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (sử dụng các loại hình ứng dụng công nghệ như grab...), các đơn vị, cá nhân đã bắt đầu thực hiện theo quy định. 

 Việc giao nhận hàng hóa của một số đơn vị bưu chính chuyển phát vẫn được hoạt động bình thường. Trong ảnh: Nhân viên của một đơn vị vận chuyển hàng hóa (ảnh chụp sáng 18-5). Ảnh: VĂN HOÀNG
Việc giao nhận hàng hóa của một số đơn vị bưu chính chuyển phát vẫn được hoạt động bình thường. Trong ảnh: Nhân viên của một đơn vị vận chuyển hàng hóa (ảnh chụp sáng 18-5). Ảnh: VĂN HOÀNG

Ghi nhận trong những ngày gần đây, tình trạng shipper (người giao hàng) tập trung đông đúc, xếp thành hàng dài “chạy đơn” tại các cửa hàng, quán ăn, trà sữa… đã không còn. Trên các tuyến đường, hoạt động vận chuyển hành khách của tài xế công nghệ cũng vắng bóng.

Là nhân viên của một hãng xe công nghệ, anh Trần Văn Phú (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho biết, ngay khi thành phố yêu cầu tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách, dù rất lo lắng vì bị ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân và kinh tế gia đình, nhưng anh cùng nhiều đồng nghiệp đã nghiêm túc chấp hành quy định, không nhận khách qua ứng dụng.

Trong khi đó, hoạt động giao, nhận các kiện hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn được diễn ra bình thường. Tại các kho hàng, nhân viên giao hàng của các đơn vị bưu chính, chuyển phát vẫn phân loại, nhận hàng hóa để vận chuyển đến khách hàng.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Sơn Phong, thực hiện công văn của UBND thành phố về việc tạm dừng một số hoạt động vận chuyển, sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát trên địa bàn nghiêm túc thực hiện.

Các dịch vụ bưu chính, chuyển phát như: cung ứng dịch vụ thư, dịch vụ gói, kiện hàng theo giấy phép bưu chính, thông báo xác nhận hoạt động bưu chính do cơ quan có thẩm quyền cấp phép vẫn được hoạt động bình thường.

Khi thực hiện nhiệm vụ giao nhận hàng hóa, các nhân viên, bưu tá phải tuyệt đối chấp hành và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch. Doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nào có dịch vụ kết nối giữa người giao hàng và người gửi hàng cá nhân (tương tự ứng dụng Grab, Now…) thì tạm ngưng dịch vụ cho đến khi có thông báo mới của UBND thành phố.

Nghiêm cấm các bưu tá, nhân viên của những doanh nghiệp được phép hoạt động lợi dụng việc nhận đơn hàng ngoài qua các ứng dụng giao hàng công nghệ.

Sở TT&TT cũng đề nghị các đơn vị chức năng hỗ trợ việc tạm khóa các ứng dụng công nghệ vận chuyển hành khách và giao hàng nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Các đơn vị, doanh nghiệp chủ quản ứng dụng công nghệ phục vụ các dịch vụ vận chuyển (Grab, Be, Gojek, FastGo, MyGo, Vato, Now, Loship, Baemin, Ahamove… và cả cung cấp các dịch vụ giao thức ăn, hàng hóa) tạm dừng hoạt động ứng dụng trên địa bàn thành phố.

Đồng thời có trách nhiệm thông tin cho các lái xe công nghệ, shipper… tự giác, chủ động đến các cơ sở y tế khai báo, xét nghiệm Covid-19.

Được biết, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 25 doanh nghiệp, tổ chức (chi nhánh, văn phòng đại diện) trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát được phép hoạt động bình thường theo hướng dẫn của Sở TT&TT.

Đơn cử như chi nhánh của đơn vị: bưu chính thành phố tại Đà Nẵng, bưu chính Viettel Đà Nẵng - Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel, Công ty CP dịch vụ Giao hành nhanh, Công ty CP Giao hàng tiết kiệm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn TNT Express Worldwide, Công ty CP Dịch vụ chuyển phát nhanh Phương Trang Futa…

“Chúng tôi đã thông báo và gửi văn bản hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp có dịch vụ kết nối giữa người giao hàng và người gửi hàng cá nhân tương tự như Grab, Now, Be, Goviet… thì phải tạm ngưng dịch vụ cho đến khi có thông báo mới. Còn đối với những doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động bưu chính hoặc thông báo xác nhận hoạt động bưu chính do Bộ hoặc Sở TT&TT cấp phải tạm dừng hoạt động trong thời gian này”, ông Lê Sơn Phong nhấn mạnh.

Lượng đặt hàng online tăng gấp 2-3 lần

Trước tình hình dịch bệnh, nhiều người dân đã hạn chế mua sắm hàng hóa trực tiếp tại các chợ, siêu thị mà chuyển sang đặt hàng online. Qua tìm hiểu, tại Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, đơn hàng online tăng 300-400% những ngày qua (mỗi ngày từ 100-150 đơn hàng online).

HTX Thu Bồn Mart có lượng đặt hàng online tại các cửa hàng những ngày gần đây tăng gấp 3 lần so với trước. Tương tự, siêu thị Danavi Mart xây dựng website: https://www.sieuthidanavimart.com với lượng đặt hàng online tăng 30-50% so với trước. Hầu hết mặt hàng thiết yếu được người dân đặt mua hằng ngày.

Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đã được hướng dẫn, thành phố chỉ yêu cầu tạm dừng hoạt động vận chuyển của người giao hàng công nghệ (shipper), còn các siêu thị hay cửa hàng thực phẩm sạch thì nhân viên giao hàng là nhân viên thuộc siêu thị/cửa hàng ấy. Vì vậy, việc giao - nhận hàng hóa vẫn diễn ra bình thường để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, hạn chế việc đi lại, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19”.

QUỲNH TRANG

PHƯƠNG UYÊN - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích