Đồng hành vượt khó giúp phụ nữ khởi nghiệp

.

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giai đoạn 2017-2025” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Sơn Trà triển khai thực hiện được nửa chặng đường. “Vạn sự khởi đầu nan”, thế nhưng, với những gì gặt hái được, có thể khẳng định chỉ cần vượt qua rào cản của chính bản thân mình, thành công nhất định sẽ đến.

Chị Huỳnh Anh giới thiệu sản phẩm của mình tại ngày hội “Khởi nghiệp-sáng tạo” Sơn Trà năm 2019.
Chị Huỳnh Anh giới thiệu sản phẩm của mình tại ngày hội “Khởi nghiệp-sáng tạo” Sơn Trà năm 2019.

Khởi đầu nan

Mọi công việc chuẩn bị xong, chỉ còn chờ ngày thuyết trình cho ý tưởng làm đẹp phụ nữ bằng thảo dược thiên nhiên tại cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” của quận, chị Huỳnh Anh (khu phố Thành Vinh 5, phường Thọ Quang) gặp Chủ tịch Hội LHPN phường xin rút lui vì “em run quá”.

Bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường Thọ Quang kể lại trường hợp này: “Mất vài tháng mới hoàn tất mọi thủ tục theo yêu cầu của ban tổ chức, bất ngờ chị Huỳnh Anh xin rút khiến mọi người lo theo. May là sau khi được động viên, thuyết phục cuối cùng chị cũng gật đầu đồng ý tham dự. Thành quả là chị Huỳnh Anh đoạt giải Ba cấp quận và sau đó nhận thêm giải Ba toàn quốc”.

Là chủ cơ sở nhỏ chuyên sản xuất các sản phẩm từ tảo xoắn Spidana (tại 74 Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông), chị Đinh Nguyễn Hoàng Thư rất mong muốn mở rộng sản xuất, bán sản phẩm rộng rãi ra thị trường cả nước chứ không chỉ trong khu vực quận Sơn Trà. Thế nhưng, để ý tưởng đó thành hiện thực chị không biết phải bắt đầu từ đâu. Khi được Hội LHPN phường An Hải Đông gợi ý tham gia cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp, như “cá gặp nước”, chị gật đầu ngay. Vượt qua nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nỗ lực của bản thân và cán bộ Hội LHPN phường An Hải Đông, chị Thư nhận giải Nhất tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp quận Sơn Trà năm 2019.

Chị L.T.T, (xin giấu tên) chi hội trưởng một chi hội phụ nữ phường An Hải Bắc ví von: “Mục đích, ý nghĩa của việc giúp phụ nữ khởi nghiệp, làm kinh tế thì không có gì để bàn nhưng khi bắt tay thực hiện lại không biết gỡ từ đâu. Hầu hết cán bộ hội LHPN cơ sở đã lớn tuổi, không thành thạo về công nghệ. Vì vậy, tìm được phụ nữ có ý tưởng đã khó, triển khai và trình bày kiểu trình chiếu lên màn hình sao cho thuyết phục lại càng khó hơn”.

“Quả ngọt đầu mùa”

Không còn vẻ nhút nhát khi nói chuyện trước đám đông, giờ đây chị Huỳnh Anh tự tin trò chuyện: “Sản phẩm của mình không chỉ có mặt ở Đà Nẵng mà giờ đây xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhờ vậy, ngoài lao động của gia đình, cơ sở còn tạo thêm việc làm ổn định cho 3 lao động”.

Đặc biệt, với sản phẩm tảo xoắn Spidana, chị Đinh Nguyễn Hoàng Thư có doanh thu năm 2020 tăng 200% so với năm trước, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Ý tưởng kinh doanh “Mỹ phẩm thiên nhiên dành cho bà bầu” của chị Phan Thị Hoàng Anh (tổ 18, phường An Hải Đông) được xuất khẩu ra thị trường thế giới và nhận được đánh giá tích cực từ người tiêu dùng.

Thống kê của Hội LHPN quận Sơn Trà trong năm 2019 và 2020 về đề án “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giai đoạn 2017-2025” cho thấy tín hiệu tích cực. Các hoạt động như mô hình “Phụ nữ phát triển kinh tế”, “Tổ, nhóm liên kết phát triển kinh tế”, cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp”, “Khởi nghiệp - Sáng tạo”... đã trở thành môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát triển kinh tế.

Chỉ trong 2 năm đó, toàn quận có 18 mô hình, tổ, nhóm kinh tế liên kết, tạo việc làm cho 800 chị em. Đáng mừng là trong số này có 184 lao động thuộc diện hộ nghèo, 122 lao động thuộc diện hộ cận nghèo, còn lại là lao động phổ thông. Đây là những lao động nữ gặp nhiều khó khăn xin việc làm ở các đơn vị, doanh nghiệp vì tuổi cao, trình độ hạn chế.

Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp qua 2 năm đã giúp 25 phụ nữ khởi nghiệp thành công. Chính từ phong trào khởi nghiệp này mà nhiều nghề và sản phẩm được nâng cấp, được thị trường chấp nhận như nghề chăm sóc người ốm tại nhà, dịch vụ vệ sinh theo giờ... và các sản phẩm rau sạch, mỹ phẩm bảo vệ da có nguồn gốc thiên nhiên...

Vẫn là bài toán khó

Nửa chặng đường của đề án Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của quận Sơn Trà khá thành công. Thế nhưng, về lâu dài, để làm sao những ngành nghề này tiếp tục phát triển, thu hút thêm nhiều lao động, chất lượng các sản phẩm ngày càng nâng cao, thị trường ngày càng mở rộng vẫn là bài toán khó. Vấn đề mà hầu hết chị em hiện nay vấp phải là nguồn vốn hạn hẹp, khó mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng gặp nhiều trở ngại về thủ tục như tài sản thế chấp, chứng minh thu nhập... Ngoài ra, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc nâng cao chất lượng, tận dụng tiện ích từ nền tảng công nghệ số để giới thiệu, quảng cáo và bán hàng... vẫn là điều quá tầm với không ít phụ nữ.

Về phía Hội LHPN các cấp cũng gặp khá nhiều khó khăn và lúng túng, bởi chính các cán bộ phụ nữ cũng phải vừa học vừa mày mò làm. Tuy nhiên, với những gì đã làm được, cùng sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của các cơ quan, ban, ngành liên quan, hy vọng rằng trong thời gian đến, không chỉ ở Sơn Trà mà cả thành phố Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều phụ nữ với nhiều sản phẩm chất lượng được thị trường đánh giá cao. Qua đó, giúp chị em có việc làm, ổn định cuộc sống.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích