Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt

.

Trong bối cảnh hàng ngoại nhập gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, để khẳng định vị thế, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, doanh nghiệp Việt phải cấp bách nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng thương hiệu, từ đó tạo niềm tin, thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt.

Doanh nghiệp tích cực xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. TRONG ẢNH: Người dân chọn mua hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng.  Ảnh: VĂN HOÀNG
Doanh nghiệp tích cực xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. TRONG ẢNH: Người dân chọn mua hàng hóa tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Khẳng định thị phần

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 26.990 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 2,09% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhóm hàng tăng cao hơn so với mức tăng chung như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 2,46%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 2,35%). Đây là kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò của nguồn cung hàng hóa nội địa trong các bối cảnh dịch bệnh khiến hàng nhập khẩu gặp khó. Đồng thời thể hiện rõ vai trò của hàng Việt tại thị trường nội địa khi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Thực tế, hàng Việt đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trong siêu thị. Ông Hồ Quang Dũng, phó Giám đốc siêu thị Lotte Mart thông tin, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối của Lotte được duy trì ở mức cao, chiếm 90-95% tổng lượng hàng hóa. Tương tự, hàng Việt ở hệ thống các siêu thị như: Co.opmart chiếm hơn 90%, Vinmart hơn 80%; còn tại kênh chợ truyền thống, các cửa hàng tiện lợi, hàng Việt gần như chiếm lĩnh thị phần.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Kim Sora (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho rằng, trong bối cảnh cả thế giới cũng như Việt Nam đang phải chống chọi với Covid-19 thì việc xây dựng thương hiệu quốc gia nói chung, thương hiệu DN nói riêng rất quan trọng, mang tính sống còn. Đặc biệt, DN Việt có 1 lợi thế là “Người Việt hiểu người Việt”. Do đó, DN có thể xây dựng kế hoạch tiếp cận phù hợp nhất để giới thiệu những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu Việt. Ví dụ, đầu tư cải tạo tinh gọn và tự động hóa dây chuyền sản xuất để giảm chi phí giá thành, lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu, có kế hoạch chiến lược truyền thông để tiếp cận khách hàng…

Hiện nay, hàng Việt đang chiếm lĩnh thị phần tại hệ thống các kênh phân phối trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Sơn Trà. Ảnh: QUỲNH TRANG
Hiện nay, hàng Việt đang chiếm lĩnh thị phần tại hệ thống các kênh phân phối trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart Sơn Trà. Ảnh: QUỲNH TRANG

Chuyển biến nhận thức

Theo ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, muốn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, hàng Việt Nam phải chiếm được niềm tin của khách hàng bằng giá trị đích thực của sản phẩm. DN phải bảo đảm sản xuất sản phẩm chất lượng, trong đó, nguyên vật liệu rõ nguồn gốc, quy trình, công nghệ sản xuất phải an toàn cho sức khỏe con người, giá cả bình ổn và có chính sách chăm sóc khách hàng tốt. Đồng thời, DN Việt nói chung, DN Đà Nẵng nói riêng cần ưu tiên truyền thông, quảng bá sản phẩm của mình để khách hàng biết đến nhiều hơn.

Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc Vinmart Đà Nẵng cho rằng, người tiêu dùng khi mua hàng sẽ nhìn vào thương hiệu để lựa chọn sản phẩm. Trong giai đoạn Covid-19, nhiều ngành hàng đang phải đóng cửa, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên họ sẽ ưu tiên những loại hàng hóa có thương hiệu, đặc biệt là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Do vậy, để tăng sức cạnh tranh, hàng hóa Việt cần phải cho khách hàng thấy được chất lượng sản phẩm cao kèm giá thành phải chăng hơn so với hàng nhập khẩu.

“DN Việt cần chủ động phối hợp cơ quan, ban ngành để được hướng dẫn, tạo điều kiện hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết trước khi đưa hàng ra thị trường cũng như trưng bày lên kệ các hệ thống siêu thị. Đặc biệt, các bên liên quan cần có sự phối hợp trong khâu logistics nhằm đáp ứng được đơn hàng theo chuỗi cũng như giảm chi phí thấp nhất lên giá thành sản phẩm. Sau cùng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao vai trò người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, ông Việt đề xuất.

Những năm gần đây, Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, ví dụ hỗ trợ cho các DN thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến thông qua các chương trình, dự án của thành phố; thiết lập các kênh phân phối, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, tổ chức các hội chợ, các đợt bán hàng khuyến mại, các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp…

Ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho hay, nếu như giai đoạn trước, tinh thần của “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là tuyên truyền theo hướng vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam thì giai đoạn này sẽ hướng tuyên truyền sang các DN. Theo đó, khuyến khích các DN sản xuất hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. “Chủ trương của thành phố là tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu; giúp DN phát triển các sản phẩm đặc trưng của thành phố, có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế”, ông Dũng thông tin thêm.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.