Phát triển thương mại, dịch vụ ở nông thôn

.

Với đặc thù là huyện nông thôn ven đô thị của Đà Nẵng, Hòa Vang có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển thương mại - dịch vụ, tuy nhiên, lĩnh vực này hiện gặp không ít khó khăn.

Các phiên chợ nông sản sẽ tạo cú hích để thương mại - dịch vụ ở huyện Hòa Vang phát triển. TRONG ẢNH: Hoạt động giới thiệu sản phẩm tại Phiên chợ nông sản năm 2021 do Hội Nông dân thành phố tổ chức tại huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG
Các phiên chợ nông sản sẽ tạo cú hích để thương mại - dịch vụ ở huyện Hòa Vang phát triển. TRONG ẢNH: Hoạt động giới thiệu sản phẩm tại Phiên chợ nông sản năm 2021 do Hội Nông dân thành phố tổ chức tại huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang, những năm qua, ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV) trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực về cơ sở hạ tầng thương mại, hàng hóa; giá trị TM-DV hằng năm tăng hơn 10%. Chợ truyền thống vẫn là loại hình tổ chức thương mại chủ yếu với 19 chợ, trong đó có 3 chợ hạng 2 là Túy Loan, Miếu Bông và Lệ Trạch, còn lại 16 chợ quy mô hạng 3 và chợ tạm với hơn 2.000 hộ tiểu thương kinh doanh ổn định được bố trí các quầy, sạp có vốn kinh doanh tương đối lớn, chiếm hơn 85% số lượng tiểu thương tại các chợ...

Vài năm trở lại đây, cứ nhìn những con đường lớn trải nhựa chạy xuyên các xã, ai cũng nhận ra sự đổi thay nhanh chóng của một xã miền núi. Hòa Sơn là một trong những xã có tốc độ đô thị hóa nhanh do địa giới gần hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Khánh, khu dân cư được đầu tư xây dựng, hình thành ngày một nhiều. Xã có 2 chợ là An Ngãi Đông và An Ngãi Tây với hơn 1.347 hộ kinh doanh buôn bán.

Tiểu thương Tôn Nữ Thị Thủy (chợ An Ngãi Đông) nhìn nhận: “Người dân của xã nhiều năm trước chỉ làm nông nhưng mấy năm gần đây, đường sá mở rộng, người dân nơi khác đến định cư đông nên bà con chuyển qua buôn bán có thu nhập cao hơn so với thời làm ruộng. Như chợ ni chừ cũng có gần 200 hộ buôn bán, chủ yếu người ở xã Hòa Sơn”.

Ở quầy hàng gần đó, tiểu thương Nguyễn Thị Điệp góp lời: “Chợ ni chủ yếu bán buổi chiều cho công nhân tan làm về mua. Tuy là chợ quê nhưng cũng đủ đầy các mặt hàng thịt, cá, rau, bún, mỳ tươi, trái cây... So với làm nông thì buôn bán cuộc sống giờ đỡ hơn nhiều”.

Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Nguyễn Duy Phương cho biết, cơ cấu kinh tế của xã có các ngành phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Trong đó, các hộ kinh doanh chủ yếu là các cửa hàng xăng dầu, dịch vụ y tế, vận tải, buôn bán tổng hợp, dịch vụ sửa chữa các phương tiện phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân; dịch vụ nhà hàng ăn uống, nhà trọ; các tiệm bán hàng lưu niệm tại tuyến đường ĐT602 (thôn Tùng Sơn) phục vụ cho du khánh du lịch Bà Nà; siêu thị mini Hòa Sơn...

Hoạt động giao thương của người dân vùng nông thôn tuy có khởi sắc nhưng chưa mạnh mẽ như kỳ vọng. TRONG ẢNH: Người dân đến mua trái cây tại chợ An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.  							    Ảnh: QUỲNH TRANG
Hoạt động giao thương của người dân vùng nông thôn tuy có khởi sắc nhưng chưa mạnh mẽ như kỳ vọng. TRONG ẢNH: Người dân đến mua trái cây tại chợ An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: QUỲNH TRANG

Qua tìm hiểu, tuy đạt một số kết quả bước đầu nhưng thực tế, vấn đề phát triển TM-DV khu vực nông thôn huyện Hòa Vang còn một số khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của các vùng nguyên liệu và chế biến phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến nông sản nên nông sản không tìm được kênh tiêu thụ, ùn ứ, rớt giá. Ngoài ra, hoạt động kinh tế trên lĩnh vực thương mại quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng thương mại chưa phát triển đồng bộ nên khó thu hút các nhà đầu tư.

Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang thông tin thêm, để TM-DV phát triển rất cần sự quan tâm hơn nữa đối với các cấp chính quyền, nhất là đối với huyện Hòa Vang trong giai đoạn hiện nay vì thông qua phát triển TM-DV góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển theo hướng hiện đại, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, trong các chính sách, định hướng phát triển lớn của thành phố, lĩnh vực TM-DV được xác định là một trong những ngành kinh tế chủ đạo của Đà Nẵng, do đó, huyện Hòa Vang không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Trước thực trạng đó, huyện đang xây dựng đề án Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, TM-DV huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025.

Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang khẳng định: “Thời gian đến, chúng tôi tập trung phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hình thành các chuỗi giá trị trực tiếp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân theo hướng ổn định, lâu dài, thông qua các cơ sở tiếp nhận, sơ chế, bảo quản nông sản thực phẩm để có sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng cung ứng cho thị trường. Huyện sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển kết cấu hạ tầng thương mại như hệ thống tổng kho bãi logistics, kho dự trữ hàng hóa thiết yếu. Mặt khác, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hiệu quả, lâu dài phiên chợ hàng nông sản để qua đó, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với người tiêu dùng. Cuối cùng là đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, các đại lý, cửa hàng... bảo đảm hàng hóa thông suốt trên địa bàn”.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích