Siết chặt quản lý trật tự xây dựng

.

Thời gian qua, tại thành phố Đà Nẵng, các ngành chức năng đã và đang siết chặt quản lý trật tự xây dựng, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Năm 2017, thành phố đã phát hiện 615 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có 287 trường hợp công trình xây dựng sai phép. Trước tình hình này, ngày 1-11-2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về “tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn thành phố” nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Với sự kiên trì, kiên quyết thực hiện, cuối năm 2020, số vụ vi phạm đã giảm khoảng một nửa so với năm 2017, tức chỉ xảy ra 361 trường hợp, trong đó có 84 trường hợp xây dựng sai phép. Sở Xây dựng cho biết, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU (2017-2020), tỷ lệ công trình vi phạm (xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp) so với số lượng công trình được cấp giấy phép xây dựng giảm dần hằng năm. Cụ thể, trước khi có Chỉ thị số 21-CT/TU, năm 2015 là 1,61%; 2016 là 1,43%; 2017 là 1,59%; giai đoạn sau Chỉ thị số 21-CT/TU: năm 2018 giảm còn 1,08%; 2019 là 1,17% và 2020 là 0,7%. Tỷ lệ công trình vi phạm về hành vi xây dựng không phép, sai phép so với số lượt kiểm tra hằng năm giảm dần... Có được kết quả này là do các địa phương, sở, ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, giai đoạn trước Chỉ thị số 21-CT/TU: năm 2015 là 4,67%; 2016 là 4,43%; 2017 là 4,87%; giai đoạn sau Chỉ thị số 21-CT/TU: năm 2018 giảm còn 2,83%; 2019 là 2,76% và 2020 là 1,89%.

Tuy công tác quản lý trật tự xây dựng có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, song vẫn còn tình trạng xây dựng sai phép, không phép xảy ra. Một số trường hợp vi phạm chưa được xử lý dứt điểm. Công tác xử lý vi phạm tại địa phương của các quận, huyện theo các văn bản đề nghị, đôn đốc của các sở, ban, ngành còn chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời; một số trường hợp phải thực hiện đôn đốc nhiều lần.  

Dư luận nhân dân thành phố vẫn đang quan tâm, theo dõi diễn biến tình hình xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý xây dựng của chính quyền thành phố. Đó là vụ việc vi phạm của Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đối với công trình căn hộ cao cấp Sơn Trà thuộc dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Vụ việc xử lý kéo dài qua nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm. Trong thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng chủ đầu tư tái vi phạm về quản lý trật tự xây dựng nhưng việc xử lý vi phạm vẫn kéo dài.

Đó là trường hợp của chủ đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy (hạng mục chung cư Monarchy B). Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng liên tiếp vi phạm về việc “bán căn hộ chung cư khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền”. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nghiệm thu công trình mà đã đưa vào sử dụng. Đây là minh chứng cho nhận định “một số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng xử lý chưa dứt điểm” của Sở Xây dựng tại báo cáo gửi Thường vụ Thành ủy trong tháng 6 vừa qua.

Việc xử lý nghiêm khắc đối với vi phạm trật tự xây dựng được Sở Xây dựng thực hiện kiên quyết. Cụ thể, từ chối việc chủ đầu tư cao ốc xây dựng sai giấy phép giữa trung tâm Đà Nẵng khi xin điều chỉnh giấy phép xây dựng. Ngày 20-7, Sở Xây dựng đã có văn bản phản hồi lần thứ 2 đến Công ty TNHH Summit Building, chủ đầu tư dự án The Summit Building tại đường Nguyễn Văn Linh, quận Thanh Khê. Sở này đã nói không với việc “ủng hộ” chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh các sai phạm tại công trình. Việc từ chối điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với công trình cũng đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải nghiêm túc khắc phục sai phạm.

Cùng với việc chấm dứt tình trạng “xử phạt hành chính để lỗi vi phạm tồn tại”, Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương xử lý các công trình vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng thời, thường xuyên tổng hợp, báo cáo công trình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo định kỳ; kịp thời báo cáo các trường hợp vướng mắc để nghiêm khắc xử lý. Đây là sự cảnh tỉnh cần thiết cho những ai cố tình vi phạm trong triển khai các dự án xây dựng tại thành phố trong thời gian đến.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.