Bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố

.

ĐNO - Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở Công thương Lê Thị Kim Phương cho biết, về cơ bản, sở đã xây dựng xong dự thảo Phương án mua hàng hóa thiết yếu hỗ trợ nhân dân trong trường hợp thành phố phải thực hiện siết chặt thêm 7 ngày nữa.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương. Ảnh: QUỲNH TRANG
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương. Ảnh: QUỲNH TRANG

* Hiện thành phố đã cho ngưng hoạt động cảng cá Thọ Quang, 8 lò mổ gia súc gia cầm, chợ đầu mối nông sản Hòa Cường. Vậy, nguồn cung ứng thực phẩm cho thành phố đến từ nguồn nào? Vấn đề điều phối và vận chuyển ra sao, thưa bà?

- Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, ngày 15-8-2021, UBND thành phố đã ban hành Phương án cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân (Văn bản số 5264/UBND-SCT), huy động các đơn vị phân phối, siêu thị chuỗi cửa hàng tiện lợi cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu tăng cường dự trữ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Trong đó, thành phố hỗ trợ thực phẩm, đồ khô cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn (30.000 hộ); hỗ trợ bổ sung củ, quả cho các quận, huyện do Tập đoàn SunGroup tài trợ (1.400 tấn) và Công ty Phương Trang tài trợ (2.000 tấn).

Ngoài ra, huy động 10 siêu thị lớn (Co.opmart Đà Nẵng, Co.opmart Sơn Trà, Big C, Lotte Mart, Vinmart, MM Mega Market, Danavi mart, Fumart, Vita mart, trung tâm thương mại Hòa Thọ); chuỗi siêu thị mini Vinmart, Vinmart+; cửa hàng tiện lợi: 187 cửa hàng; các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng phân phối khác nhập khẩu các mặt hàng thịt, cá, trứng… từ các tỉnh, thành phố lân cận và nhập khẩu.

Sở Công thương cũng liên kết các tỉnh, thành phố để kết nối cung ứng nguồn hàng củ, quả; làm việc với các nhà cung ứng tổng để điều tiết, tăng lượng hàng cung ứng cho thành phố. 

Qua đó đã kết nối với Sở Công thương các tỉnh như Quảng Nam, Lâm Đồng và cung cấp thông tin các đầu mối, nguồn hàng cung ứng đến các đơn vị phân phối trên địa bàn được biết, có nhu cầu đặt hàng...

Với kế hoạch cung ứng hàng hóa đã được chuẩn bị kỹ, cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách mức độ cao hơn.

Về vấn đề điều phối và vận chuyển, chúng tôi đã lựa chọn, tổng hợp danh sách các đơn vị cung ứng lớn; đề nghị Công an thành phố cấp Thẻ nhận diện cho phương tiện vận tải (ô-tô), tạo điều kiện cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa được thuận lợi.

* Vấn đề đặt mua thực phẩm của người dân tại các siêu thị, cửa hàng hiện nay như thế nào?

- Để đẩy nhanh tốc độ giao hàng, hệ thống các siêu thị, cửa hàng sẽ chuẩn bị sẵn các mặt hàng tươi sống theo gói combo gồm: thịt, cá và củ, quả với các mức giá từ thấp tới trung bình, giá cao, dao động tùy loại từ 100.000-500.000 đồng/combo. 

Với cách làm này, mỗi siêu thị có thể chuẩn bị được 1.000-2.000 đơn hàng mỗi ngày một cách thuận tiện, nhanh chóng hơn.  

Việc đặt hàng của người dân được thực hiện thông qua phiếu đặt hàng gửi ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn (ban điều hành). Ban điều hành tổng hợp danh sách hộ cần mua theo loại combo lên phường/xã để gửi về siêu thị, cửa hàng trước 1 ngày.

Sau đó, các phường/xã cử lực lượng nhận hàng chuyển cho người dân; đơn vị cung ứng sẽ giao hàng tới các phường/xã và tổ dân phố để lực lượng tại chỗ phân phối cho từng hộ dân.

Ngoài việc đặt hàng theo combo, người dân có thể đặt hàng theo nhu cầu riêng (nhưng phải là mặt hàng thiết yếu) thông qua ban điều hành để nhờ mua hộ.

Hình thức mua hàng theo combo giúp các siêu thị đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Hình thức mua hàng theo combo giúp các siêu thị đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, chụp trước ngày 16-8-2021. Ảnh: QUỲNH TRANG

* Sở Công thương đã có kế hoạch từng bước khôi phục chợ truyền thống? Nếu được khôi phục, các chợ sẽ hoạt động như thế nào?

- Sở Công thương đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện xây dựng phương án khôi phục chợ truyền thống trên địa bàn các quận, huyện (tập trung các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá...).

Tiểu thương, người làm việc tại chợ là người đang lưu trú tại phường nơi có chợ và phải đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch trước khi mở cửa hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Công thương tại Văn bản số 4728/BCT-TTTN ngày 5-8-2021 về việc bố trí địa điểm tạm thời và mở lại chợ sau thời gian tạm thời đóng cửa để bảo đảm phòng, chống Covid-19” và Công văn số 5858/BYT-MT ngày 21-7-2021 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Về hoạt động của chợ khi được khôi phục, theo Sở Công thương, chợ chỉ nên mở vào buổi sáng hằng ngày và sẽ phân chia tần suất đi chợ, tần suất bán hàng tại chợ. Cách thức bán hàng, giao nhận hàng thông qua Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố, thôn.

Trên cơ sở đề xuất của UBND các quận, huyện và tình hình diễn tiến của dịch bệnh bệnh, chúng tôi sẽ tổng hợp, tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 thành phố xem xét, quyết định.

* Kịch bản cung ứng hàng hóa cụ thể nếu thành phố phải thực hiện siết chặt thêm 7 ngày nữa?

- Chúng tôi cơ bản đã xây dựng xong dự thảo Phương án mua hàng hóa thiết yếu hỗ trợ nhân dân trong trường hợp thành phố phải thực hiện siết chặt thêm 7 ngày nữa và hiện đang lấy ý kiến Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phương án này sẽ nêu cụ thể cách thức cung ứng hàng hóa bảo đảm bảo nhu cầu người dân.

Ngoài ra, việc khôi phục chợ truyền thống cũng là phương án được tính đến trong thời gian kéo dài giãn cách, nhưng sẽ được thực hiện từng bước; việc xác định số lượng chợ và thời điểm mở chợ tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm tại địa bàn mở chợ.

* Xin cảm ơn bà!

QUỲNH TRANG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích