Cần gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải

.

Do ảnh hưởng bởi Covid-19, hàng ngàn đầu xe các loại, từ xe dịch vụ, xe buýt đến xe khách phải nằm tại bãi... Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn với tiền vay ngân hàng, tiền thuê nhà xưởng, kho bãi, phòng vé, đời sống cho tài xế, nhân viên...

Các bãi đỗ xe trên đường Võ Văn Kiệt có rất nhiều xe nằm bãi không hoạt động. (Ảnh chụp đầu tháng 8-2021).  								              Ảnh: THÀNH LÂN
Các bãi đỗ xe trên đường Võ Văn Kiệt có rất nhiều xe nằm bãi không hoạt động. (Ảnh chụp đầu tháng 8-2021). Ảnh: THÀNH LÂN

Xe nằm bãi, doanh nghiệp gặp khó

Tại bãi đỗ xe buýt dưới chân cầu Thuận Phước (quận Hải Châu), hàng chục xe buýt nội thành của nhà xe Quảng An 1 “nằm chờ” từ tháng 6-2021 đến nay. Trong khuôn viên Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố, hàng trăm xe taxi của các hãng Mai Linh, Tiên Sa cũng tranh thủ kéo về đậu chen chúc do không được phép hoạt động. Phía ngoài đường, khu vực gần Công viên Thanh Niên (đường Cách Mạng Tháng Tám), hàng chục xe tải, xe container cũng đang “đắp chiếu” trong bãi đỗ. Nhiều bãi đất trống, bãi đỗ xe khu vực trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Chương Dương... cũng đang ở tình trạng xe nằm bãi nhiều tháng nay.

Lần thứ 4 đối mặt với diễn biến phức tạp của Covid-19, Giám đốc Công ty TNHH Hải Hoàng Gia Travel Võ Đáng bày tỏ lo lắng, từ đầu tháng 5-2021 đến nay, 90% xe khách của công ty gần như dừng hoạt động do không có khách. Trước đây, doanh nghiệp còn 2-3 xe chạy để duy trì nhưng dịch bùng phát mạnh, thành phố cũng như một số địa phương cấm hoạt động vận chuyển hành khách đi và đến nơi có dịch nên gần như 100% đầu xe của đơn vị phải nằm bãi. Cùng với đó, xe hợp đồng, xe dịch vụ cũng rơi vào cảnh khó khăn tương tự vì lệnh tạm dừng hoạt động vận tải. Nhiều tài xế của công ty du lịch “ngồi không” vì mất việc từ tháng 2-2020 do đợt dịch đầu tiên đến nay.

Theo ông Phạm Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, các tuyến vận tải xe khách tuyến cố định đến nay đã dừng hoạt động, 100% nhà xe đang trong tình trạng “đói khách”.  Bến xe cũng phải cắt giảm khá lớn nhân sự vì tình hình hoạt động giảm sút. Trung tâm điều độ hoạt động bến xe thông tin, bình thường có khoảng 500 lượt xe ra, vào bến mỗi ngày nhưng nay chỉ còn chừng 20 lượt xe mà chủ yếu là các xe tải chở hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu.

Theo Sở Giao thông vận tải, những xe bị ảnh hưởng đợt dịch này là xe dịch vụ dưới 9 chỗ ngồi và xe buýt nội thành, ngoại thành, xe khách có tuyến đến các tỉnh đang có dịch. Trong đó, taxi có gần 1.600 xe, buýt trợ giá có 151 xe và 2.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi. Ngoài ra, hàng ngàn đầu xe du lịch của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng đã dừng hoạt động từ các đợt dịch trước đó.

Cần giải pháp tháo gỡ

Ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Taxi thành phố Đà Nẵng cho biết, Covid-19 bùng phát lần thứ 4 làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải taxi gặp khó. Lượng hành khách giảm đến 80-90%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Hiện thành phố đã cho tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, Grab nên khó khăn chồng chất khó khăn. Do đó, hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021. Đồng thời, đối với các doanh nghiệp vận tải còn nợ bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến ngày 31-12-2021 (không tính lãi chậm nộp); điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho ô-tô kinh doanh vận tải, giảm lãi vay ngân hàng...

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp cho hay, hiệp hội có 60 doanh nghiệp tham gia với khoảng 300 xe vận tải hàng hóa. Vào những năm trước, đây là cao điểm mùa khô, là mùa hoạt động đem lại nguồn thu chủ yếu cho doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, lượng hàng hóa vận chuyển giảm mạnh, các đơn vị vận tải cơ bản tạm ngừng hoạt động vì không có hàng; bị cấm chạy hoặc thời gian chạy chỉ bằng 1/10 so với trước đây. Một số doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng đầu tư mua xe, giờ không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng nên rơi vào cảnh khó khăn. Có doanh nghiệp không trụ nổi phải bán xe để trả nợ. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp phải cho đội ngũ lái xe nghỉ việc...

Truy cập vào trang web “Ký gửi mua bán ô-tô 4-47 chỗ Đà Nẵng”, không khó để nhận thấy hàng loạt xe khách rao bán lại trong thời điểm này, trong đó có nhiều xe chỉ mới mua chưa đến 2 năm mà giá bán giảm đến 1/2 so với lúc mới mua. Anh Lê Vinh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Phương Vinh (quận Thanh Khê) bày tỏ, công ty anh cũng mới đầu tư mua 3 chiếc xe vận tải du lịch năm 2020, chưa kịp thu hồi vốn thì bị ảnh hưởng của Covid-19. Giờ mỗi tháng công ty phải trả lãi ngân hàng 20-30 triệu đồng, nên phải rao bán bớt 1 chiếc để giảm bớt chi phí.

Doanh nghiệp vận tải đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài, không được hỗ trợ kịp thời bằng việc khoanh, giãn nợ... Đại diện Taxi Hàng không Đà Nẵng (xin không nêu tên) cho rằng, trên cơ sở các gói hỗ trợ hiện có, các ngân hàng cần cho doanh nghiệp vay theo hình thức tín chấp theo gói vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi để họ nhanh chóng có tiền trả lương cho người lao động và quay vòng sản xuất, vì doanh nghiệp không có doanh thu nhưng vẫn phải duy trì bộ máy vận hành. Cùng đó, cần miễn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, có như vậy mới phục hồi lại sau dịch bệnh...

Có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều trong tình trạng thu không đủ chi, phải bù lỗ, phải cho đội ngũ lái xe nghỉ việc. Một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì Covid-19. Bởi vậy, việc đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời là cần thiết để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ nhà xe Nga Lực, chạy tuyến Đà Nẵng - Hiệp Đức cho biết, năm 2020 khi Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 12-3-2020, trong đó cho phép các ngân hàng và tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19. Đầu năm 2021, có Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Chính sách này đã giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp vận tải, tuy nhiên, bước sang đợt dịch thứ 4, vẫn chưa thấy chủ trương, chính sách tương tự nào được ban hành. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp “gượng dậy” và phục hồi trong thời gian tới.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.