Cần tăng công nhân tham gia sản xuất tại các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đơn hàng

.

ĐNO - Từ kết quả tích cực đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đề xuất UBND thành phố cho phép doanh nghiệp tăng thêm số lượng công nhân tham gia lao động cũng như thêm nhiều doanh nghiệp được trở lại hoạt động sau thời gian tạm dừng.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ niềm vui trước kế hoạch mở rộng số lượng lao động sản xuất và hy vọng tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam (KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: KHÁNH HÒA

Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng Trần Văn Tỵ cho biết, việc đề xuất cho các doanh nghiệp (DN) tăng nhân công tham gia sản xuất tại các KCN kể từ đầu tháng 9 là căn cứ trên thực tế hoạt động sản xuất của DN cũng như kết quả phòng, chống dịch của thành phố sau gần 20 ngày thực hiện biện pháp mạnh “ai ở đâu thì ở đó”.

Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là việc tiêm vắc-xin cho lực lượng công nhân, người lao động tại DN được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến cuối tháng 8, đã có 70% công nhân, người lao động tại các KCN và KCNC được tiêm vắc-xin mũi 1.

Đồng thời, trong kế hoạch tiêm vắc-xin của thành phố, thời gian tới, vẫn tiếp tục tiêm cho đối tượng này nên số lượng người lao động được tiêm vắc-xin sẽ tăng cao hơn. Thứ hai, sau khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội với các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, trong đó, người lao động được xét nghiệm SARS-CoV-2 ở nơi cư trú có kết quả âm tính rất lớn.

Để việc mở rộng hoạt động sản xuất đạt mục tiêu “kép”, Ban Quản lý KCNC và các KCN cho biết, trước mắt sẽ đề xuất tăng số lượng lao động từ 30% lên 50%, thậm chí là 100% cho các DN đạt tỷ lệ 100% công nhân đã tiêm vắc-xin mũi 1 và duy trì hiệu quả phương án sản xuất “3 tại chỗ”, giữ được vùng an toàn trong thời gian qua.

Tuy nhiên, để giữ vững “vùng xanh” trong doanh nghiệp, đơn vị yêu cầu doanh nghiệp phải tính toán kỹ trong quá trình đưa lực lượng công nhân mới trở lại hoạt động. Phương án tối ưu nhất đó là, chỉ lựa chọn công nhân, người lao động từ các "vùng xanh" ở khu dân cư, các khu vực không có ca nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời, phải bố trí cho họ một khu vực riêng để bảo đảm phương án "3 tại chỗ" và sản xuất, chỉ khi nào bảo đảm kết quả xét nghiệm âm tính từ 4-5 lần mới cho hòa nhập với số lượng công nhân cũ vốn hoạt động “3 tại chỗ” từ trước.

Trước thông tin đề xuất cho phép DN được nới rộng quy mô hoạt động trong thời gian tới, nhiều DN bày tỏ sự đồng tình và phấn khởi. Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho rằng, trong thời điểm công tác phòng, chống dịch đang có những chuyển biến tích cực thì việc cho phép mở rộng hoạt động sản xuất là điều cần thiết nhằm giúp DN đẩy mạnh khối lượng đơn hàng, nhất là thời điểm sản xuất cuối năm đang cận kề và đơn vị đang lên kế hoạch cho năm 2022.

Trong khi đó, với nỗ lực duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” từ đầu tháng 8 đến nay, ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam bày tỏ sự phấn khởi nếu công nhân được quay trở lại làm việc.

Ông Phu cũng cho biết, ngoài chấp hành nghiêm túc các giải pháp mà Ban Quản lý KCNC và các KCN đưa ra, đơn vị sẽ có các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị để bảo đảm hoạt động sản xuất dần quay trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo đánh giá từ Ban quản lý KCNC và các KCN, thời gian qua, tình hình sản xuất tại các DN đều ổn định, chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch và thích nghi tốt với phương án “3 tại chỗ”, duy trì tốt việc lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động 3 ngày/lần. Các DN, người lao động đều cố gắng vượt qua khó khăn, đồng hành cùng thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Ban Quản lý thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất tình hình sản xuất, phòng chống dịch tại các DN. Cơ bản các DN chấp hành rất tốt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Hiện nay, hoạt động xuất khẩu của các DN tương đối thuận lợi, chỉ có một số DN FDI gặp khó do nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập từ Thành phố Hồ Chí Minh và nước ngoài.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.