Làm sao cung ứng thực phẩm đến kịp cho người dân?

.

ĐNO - Trong chiều 24 và sáng 25-8, nhiều người dân cho biết, việc đặt mua lương thực, thực phẩm, những mặt hàng thiết yếu dường như mỗi lúc mỗi khó khăn hơn. Làm sao để cung ứng thực phẩm đến kịp cho người dân là vấn đề được quan tâm hiện nay.

Nhân viên siêu thị Big C chuẩn bị hàng hoá để giao cho khách hàng. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhân viên siêu thị Big C chuẩn bị hàng hoá để giao cho khách hàng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo thông tin từ UBND quận Hải Châu, quận đã chủ động liên hệ một đầu mối để đặt 6 tấn cá về cho người dân. “Chúng tôi chưa thể vận chuyển về quận được do vướng thủ tục trong lưu thông. Hiện, quận đang cố gắng giải quyết vướng mắc để hàng đến tay người dân", bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương thông tin, đến nay, thành phố đã cho hoạt động lại lò mổ Đà Sơn và sắp tới nếu cảng cá Thọ Quang được cho phép hoạt động với điều kiện tuân thủ các phương án phòng, chống dịch thì sẽ bổ sung thêm một nguồn cung lớn về hải sản. Sự phục hồi nguồn cung 2 mặt hàng thịt, cá quan trọng này sẽ góp phần giải quyết phần nào sự thiếu hụt thực phẩm thời gian qua.

Về phía nhà cung ứng hàng hóa, ông Phan Thống, Giám đốc Co.opmart Đà Nẵng cho rằng: "Để đáp ứng tốt nhu cầu hàng thiết yếu của người dân Đà nẵng trong thời gian thành phố thực hiện biện pháp “ai ở đâu thì ở đó”, nên chăng để lực lượng quân đội đi chợ hộ như Thành phố Hồ Chí Minh? Khi đó, người dân, tổ dân phố hay ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, cả lực lượng shipper không cần ra đường. Nhân viên các đơn vị phân phối chỉ cần 30% làm “3 tại chỗ” còn việc đi chợ và phân phát cho dân thì lực lượng quân đội đảm trách, không cần chốt, kiểm tra hay cấp giấy thông hành như hiện nay nữa".

Còn theo anh V., thành viên CLB Bán tải Đà Nẵng (PDC Đà Nẵng), cần bổ sung thêm lực lượng đưa hàng giúp dân. Đơn cử như Đội Phản ứng nhanh thuộc CLB Bán tải Đà Nẵng với hơn 100 thành viên đã nhiều lần giúp đỡ người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê, vận chuyển lương thực, thực phẩm cho dân ở các khu phong tỏa, cách ly... "Thiết nghĩ, với thời hạn phong toả kéo dài thêm 10 ngày nữa, rất cần lực lượng này tham gia để cung ứng lương thực, thực phẩm cho những người dân đang cần được tiếp sức", anh V nói.

Anh V.B.T (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng cần đưa xe buýt trở thành “chợ di động” để cung ứng hàng. "Trong thời gian thực hiện giãn cách theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hệ thống xe buýt Quảng An dừng hoạt động, bỏ không rất uổng phí, nên chăng thiết kế xe buýt trở thành “chợ di động”? Mỗi khu dân cư sẽ có một xe buýt với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Khi xe đến từng khu phố thì công an khu vực hoặc người phụ trách sẽ dùng loa gọi tên từng hộ theo thứ tự ra mua hàng, như thứ tự đi xét nghiệm Covid-19. Mỗi người dân có 10 phút để chọn mua hàng và 3 ngày mua/lần. Như vậy sẽ giảm tải áp lực đi mua thực phẩm cho cả trăm hộ như hiện nay", anh T. cho hay.

Theo đại diện một siêu thị trên địa bàn thì để hàng hóa nhanh chóng đến tay người dân thì cần cho đội ngũ shipper hoạt động 100% như trước đây với điều kiện xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần. Ngoài ra, với những xe chở hàng hóa thì ưu tiên cho lưu thông, không cần điều kiện khắt khe, chỉ cần tài xế không ra khỏi ca-bin.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích