Tạo điều kiện cho tàu cá bốc dỡ hải sản

.

ĐNO - Hiện nay, các đơn vị chức năng cùng chính quyền địa phương triển khai phương án bốc dỡ hải sản khi tàu cá cập cảng và cách ly y tế các ngư dân. Qua đó, tạo điều kiện cho 65 tàu cá của Đà Nẵng với 508 ngư dân đang đánh bắt trên các vùng biển và neo đậu ở vịnh Đà Nẵng cập bờ, bán hải sản bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19 và an toàn trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết trên biển.

Một tàu cá được tạo điều kiện, cho phép vào cảng cá Thọ Quang trong thời gian cảng cá này bị phong tỏa để thực hiện công tác phòng, chống Covid-19. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một tàu cá được tạo điều kiện cho phép vào cảng cá Thọ Quang trong thời gian cảng cá này bị phong tỏa để thực hiện công tác phòng, chống Covid-19. Ảnh: HOÀNG HIỆP

155 tấn cá được bốc dỡ

Từ ngày 4-8, ngư dân Lê Văn Khánh (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) điều khiển tàu chở 40 tấn cá cùng 29 ngư dân cập cảng cá Thọ Quang sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với SARS-CoV-2 tại Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang. Tuy nhiên, do cảng cá Thọ Quang đang được phong tỏa để phòng, chống Covid-19 và cả 2 phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đang cách ly y tế nên việc bốc dỡ, bán hải sản gặp nhiều khó khăn.

Đến ngày 9-8, trên tàu vẫn còn gần 5 tấn hải sản, ông Khánh quyết định cho các bạn thuyền xẻ cá ra rồi tận dụng nắng nóng để phơi khô. Ngư dân này cũng xin phép Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho toàn bộ ngư dân được cách ly y tế ở trên tàu cá neo đậu giữa âu thuyền Thọ Quang chứ không đưa bạn thuyền lên cách ly y tế tại khách sạn vì chi phí quá lớn, trong khi chờ thành phố có chủ trương mới về việc này.

Ngư dân Lê Văn Khánh nói: “Chúng tôi ở nhiều ngày ngoài khơi, vào Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang còn được xét nghiệm nhanh và Trung tâm Y tế quận Sơn Trà xét nghiệm vào ngày 9-8 đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị được cách ly y tế ngay trên tàu là phù hợp hơn cả và cũng thuận tiện nếu được cho phép sẽ ra khơi được ngay. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều người trông giữ tàu ở khu vực âu thuyền đã hết lương thực, thực phẩm nên chúng tôi mong muốn được cho phép người nhà tiếp tế lương thực, thực phẩm” .

Theo Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, kể từ khi cảng cá Thọ Quang tạm dừng hoạt động đến nay, các đơn vị chức năng đã tạo điều kiện cho 24 tàu cá của ngư dân Đà Nẵng cập cảng, trong đó 17 tàu có bốc dỡ hải sản với sản lượng 155 tấn.

Hiện có 491 tàu cá đang neo đậu tại khu vực âu thuyền Thọ Quang (gồm 280 tàu Đà Nẵng và 211 tàu ngoại tỉnh) với 253 ngư dân trông giữ tàu và đã được Trung tâm y tế quận Sơn Trà tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 9-8, kết quả 100% âm tính.

Ban quản lý đã lập danh sách ngư dân trên các tàu neo đậu theo địa phương gửi các quận Sơn Trà, Thanh Khê... Hằng ngày, đơn vị đều tổng hợp danh sách thực phẩm, nước uống do ngư dân trên các tàu đề nghị mua giúp gửi UBND phường Thọ Quang để mua rồi đơn vị nhận và chuyển lại cho các tàu...

“Liên quan đến việc đón 65 tàu cá của ngư dân Đà Nẵng cập cảng cá Thọ Quang, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố liên lạc với các tàu cá để lập danh sách, dự kiến thời gian vào bờ... rồi liên lạc với các quận cũng như các đơn vị liên quan đến để chuẩn bị công tác xét nghiệm, địa điểm cách ly y tế...

Đối với việc bốc dỡ hải sản, các tàu cá có sản lượng hải sản ít, có thể hoàn thành bốc dỡ trong 1 ngày thì toàn bộ lái xe, nhân viên bốc hàng, người mua hàng... phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ. Còn sản lượng lớn và thời gian bốc dỡ dài hơn thì phải có chứng nhận xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong 72 giờ”, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Huỳnh Văn Phương cho biết.

Một tàu cá được tạo điều kiện, cho phép vào cảng cá Thọ Quang trong thời gian cảng cá này bị phong tỏa để thực hiện công tác phòng, chống Covid-19. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các đơn vị chức năng dùng canô đi kiểm tra các tàu cá đang neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nhiều tàu cá đã về bờ nhưng chưa cập cảng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 13 giờ ngày 12-8, có 39 tàu cá của Đà Nẵng với 129 ngư dân Đà Nẵng và 229 ngư dân ngoại tỉnh đang hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, có 26 tàu cá Đà Nẵng với 142 ngư dân Đà Nẵng và 8 ngư dân ngoại tỉnh đã về gần bờ, nhưng đang neo đậu ở vịnh Đà Nẵng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Văn Mỹ, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân cũng như đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố, trong ngày 11-8, đơn vị đã ban hành phương án kiểm soát tàu cá cập, rời cảng cá Thọ Quang trong thời gian tạm dừng hoạt động cảng cá này để phòng, chống Covid-19.

Trong đó, trường hợp tàu cá đủ điều kiện xuất bến, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết chấp hành các biện pháp phòng, chống Covid-19 như: có thời gian khai thác trên biển tối thiểu 7 ngày; toàn bộ ngư dân phải được xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2 có kết quả âm tính và chi phí xét nghiệm do chủ tàu chi trả.

Trong thời gian hoạt động trên biển không tiếp xúc với tàu khác và cập vào các khu vực đang có dịch; ngay khi hoàn thành việc bốc dỡ thủy sản phải chấp hành việc cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và chịu hoàn toàn chi phí trong thời gian cách ly tập trung theo quy định...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo trung tâm y tế và các cơ quan trực thuộc xây dựng phương án, kế hoạch tiếp nhận, đưa ngư dân đi cách ly hoặc áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp (chủ tàu ở địa phương nào, địa phương đó đưa đi cách ly tập trung tại cơ sở cách ly tập trung địa phương đó) và cử cán bộ làm đầu mối liên hệ để Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thông tin, phối hợp, bàn giao đưa ngư dân đi cách ly y tế. 

Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho rằng: "Khi tiếp nhận thông tin về việc ngư dân trên các tàu cá của quận Hải Châu cập cảng, quận sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai phương án cách ly y tế các ngư dân này theo quy định".

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.