Giảm áp lực cung ứng lương thực, thực phẩm

.

Từ ngày 6-9, Sở Công thương tiếp quản 22 điểm bán hàng từ Công an thành phố. Ghi nhận tại các điểm bán trong ngày 9-9, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu rất đầy đủ, giá thấp hơn so với thị trường và được phân phối bởi 2 đơn vị cung ứng trợ giá.

Niềm vui của những tổ trưởng tổ dân phố khi mua được hàng tươi, giá rẻ cho người dân. (Ảnh chụp tại điểm bán hàng đường Bình Minh 4, quận Hải Châu). Ảnh: QUỲNH TRANG
Niềm vui của những tổ trưởng tổ dân phố khi mua được hàng tươi, giá rẻ cho người dân. (Ảnh chụp tại điểm bán hàng đường Bình Minh 4, quận Hải Châu). Ảnh: QUỲNH TRANG

Việc đưa hàng đến người dân đã bớt áp lực

Cầm trên tay đơn hàng của các hộ dân đã đặt, ông Nguyễn Quang Nhật (Tổ trưởng tổ 23, phường Bình Hiên, quận Hải Châu) rà soát từng món hàng, so sánh giá tiền, sắp đặt rau ra rau, cá ra cá, chừng 15 phút sau, ông reo lên: “Đủ rồi. Tổ của tui đủ hỉ”. Ông Nhật cho hay, điểm bán thực phẩm này cách khu dân cư nhà ông 1km. Mỗi ngày, ông nhận đơn của tổ và gửi đến zalo của người phụ trách điểm bán, sáng hôm sau, ông đến kiểm hàng rồi chở về cho bà con.

“Điểm bán hàng này đầy đủ thực phẩm lắm, không chỉ 3 mặt hàng thiết yếu: rau, thịt, cá đâu, còn có chả cá Lý Sơn, tôm, gà, vịt, gia vị, thực phẩm khô, các loại đậu… Thực phẩm rất tươi ngon, nói chung bà con ở tổ tui rất phấn khởi”, ông Nhật hào hứng nói. Đứng bên cạnh, bà Đoàn Thị Nhung, Tổ trưởng tổ 25 (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) góp lời: “Không chỉ hàng hóa nhiều mà giá còn rất rẻ nữa, rẻ hơn ở chợ luôn đó. Thêm nữa là tui thấy phong cách phục vụ rất chuyên nghiệp, chu đáo, chưa khi mô bị hủy đơn hàng hay thiếu món hết. Chừ thì mua đồ sướng quá rồi”.

22 điểm bán hàng đặt tại 4 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu và Cẩm Lệ. Trong đó, Công ty CP Xây dựng Gốm sứ Việt Hương phụ trách 17 điểm bán tại các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hai Thuyên phụ trách 5 điểm bán trên địa bàn quận Thanh Khê (theo đề xuất từ quận Thanh Khê, công ty này đã nâng lên thêm 2 điểm bán, trong đó, có 1 điểm bán tại “điểm nóng” phường Tam Thuận).

Các mặt hàng cung ứng chủ đạo gồm: gạo, mì ăn liền, thịt heo, gà, vịt, cá tươi, trứng gà, rau xanh, củ quả, gia vị (nước mắm, xì dầu, dầu ăn, mì chính, muối…). Các doanh nghiệp lấy hàng trực tiếp từ các nguồn cung ứng, chở đến điểm bán và giao cho người dân với mức giá bình ổn, có bảng giá niêm yết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các yêu cầu, điều kiện về phòng, chống dịch. Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố tiếp nhận đơn hàng của người dân trước 1 ngày (trước 15 giờ hằng ngày), thông báo cho doanh nghiệp để chuẩn bị hàng hóa và giao hàng cho các hộ dân vào sáng ngày hôm sau.

Tại các điểm bán, nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, rau xanh... được bán với mức giá hỗ trợ cho người dân, thấp hơn giá thị trường 10-30%. Hàng hóa được liệt kê theo danh mục, in tờ rơi phát về tận khu dân cư, phân sẵn số lượng và đơn giá để thuận tiện nhất cho người dân khi đặt mua. Theo báo cáo của Công ty CP Xây dựng Gốm sứ Việt Hương, mỗi ngày, đơn vị cung ứng ra thị trường 6,5 tấn thịt heo, 3.000 con gà, 1.000 con vịt, 2,5 tấn cá nục, 1.500 vỉ trứng gà. Trong khi đó, tại mỗi điểm bán do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hai Thuyên phụ trách, số lượng hàng bán ra qua mỗi ngày đều tăng. Cụ thể, trong ngày 8-9, tại điểm bán 955 Nguyễn Tất Thành, công ty cung ứng 750kg thịt heo, 250kg thịt bò, 85 con gà.

Có thể hoạt động kéo dài hơn dự kiến

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Gốm sứ Việt Hương Nguyễn Trung Trực cho biết, sau 4 ngày mở bán, tại tất cả các điểm bán đều không ghi nhận tình trạng xử lý trễ đơn hàng hay giao nhầm hàng, giao hàng kém chất lượng cho người dân. Đơn vị đã liên kết với nhiều chuỗi cung ứng, huy động các mối quan hệ hỗ trợ tìm nguồn thực phẩm với các tiêu chí khắt khe, bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc, đa dạng, giá rẻ và bình ổn cung cấp cho người dân, trong đó ưu tiên những khu vực phong tỏa nghiêm ngặt. “Theo kế hoạch, các điểm bán do Sở Công thương điều tiết vận hành sẽ hoạt động từ ngày 6 đến ngày 12-9. Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự chuẩn bị về nguồn cung, dù thời gian hoạt động có kéo dài hơn thì chúng tôi vẫn đáp ứng được”, ông Trực nói.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hai Thuyên Đoàn Quang Thuyên cho biết, sở dĩ các mặt hàng được đơn vị cung ứng trong giai đoạn này đều có giá thấp hơn so với thị trường bởi ông xác định, không đặt vấn đề lợi nhuận trong giai đoạn này. Đây là các điểm bán hàng đồng hành cùng xã hội vượt qua khó khăn của dịch bệnh. “Mặt hàng chính của chúng tôi là thịt heo được mổ mỗi ngày. Ngoài ra, tôi đã có nguồn cung “cứng” các mặt hàng rau, củ, quả, trứng ở tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi cam kết bán hàng phi lợi nhuận, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cố gắng không để xảy ra sơ suất như sự cố thịt ôi thiu thời gian qua”, ông Thuyên khẳng định.

Ở vai trò kết nối điều hành, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong 4 ngày qua, các điểm bán hàng nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Đây là nỗ lực rất lớn của các đơn vị cung ứng cũng như lực lượng hỗ trợ tại các địa phương. Trong điều kiện các nguồn cung tại chỗ chưa phục hồi được, những điểm bán hàng trợ giá này sẽ san sẻ phần nào gánh nặng lương thực, thực phẩm cung ứng cho người dân của thành phố. Người dân sẽ yên tâm hơn trong việc thực hiện các quy định của thành phố để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.