Khi ẩm thực cũng là đại sứ du lịch

.

Có nhiều cách để lựa chọn, quảng bá cho du lịch, trong đó giới thiệu ẩm thực được xem là một cách hiệu quả để đưa du lịch đến gần hơn với du khách. Việc lựa chọn, xây dựng chiến lược đưa ẩm thực trở thành những đại sứ du lịch nếu làm tốt sẽ góp phần tạo sự hấp dẫn cho điểm đến.

Một hoạt động thi nấu ăn tại sự kiện Lễ hội chào năm mới 2021 diễn ra ngày 31-12-2020.  Ảnh: SONG KHUÊ
Một hoạt động thi nấu ăn tại sự kiện Lễ hội chào năm mới 2021 diễn ra ngày 31-12-2020. Ảnh: SONG KHUÊ

Lâu nay, ngành du lịch thành phố xác định vai trò cũng như tầm quan trọng của ẩm thực địa phương nên đã tổ chức các sự kiện ẩm thực lớn như chuỗi hoạt động ẩm thực “Một ngày làm đầu bếp xứ Quảng” tại sự kiện thường niên Điểm hẹn mùa hè; “Lễ hội ẩm thực quốc tế” lần thứ nhất năm 2019; “Lễ hội ẩm thực” tại sự kiện Chào năm mới 2021 để giới thiệu các món ăn đặc trưng của Đà Nẵng như: bánh xèo, mì quảng, bún chả cá, bánh xu xê.

Theo ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, mỗi địa phương của miền Trung đều có những đặc sản riêng biệt, không pha trộn, không lẫn với những nơi khác mà du khách chỉ có thể thưởng thức khi đặt chân đến vùng đất đó. Ẩm thực miền Trung chứa đựng những nét đặc trưng truyền thống cần được bảo tồn và phát huy, tuy nhiên việc đưa sản phẩm này đến đông đảo du khách là thách thức lớn với những người làm trong ngành ẩm thực.

Đồng quan điểm, ông Chử Hồng Minh, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Doanh nghiệp xã hội Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam, Sáng lập Liên minh Hiệp hội Nhà hàng ASEAN, đại sứ Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA) tại Việt Nam phân tích: “Đối với lĩnh vực du lịch, ẩm thực không đơn thuần chỉ là việc cung cấp dịch vụ ăn uống thông thường mà còn là một sản phẩm du lịch để thông qua đó du khách khám phá, tìm hiểu nét văn hóa bản địa nơi mình đặt chân đến. Việc xây dựng sản phẩm du lịch một cách bài bản, sáng tạo cần có sự liên kết và chú trọng đổi mới hình thức quảng bá, giúp du khách có được nhiều trải nghiệm thú vị hơn.

Tổng Giám đốc Công ty CP Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn Lý Đình Quân nhìn nhận, việc phát triển cũng như dùng ẩm thực để quảng bá ở Đà Nẵng, miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay mới ở giai đoạn sơ khai. Trong tháng 7 và tháng 8, đơn vị đã tổ chức các buổi trò chuyện (talk show) trực tuyến với chủ đề “Văn hóa ẩm thực - con đường di sản” , “Giá trị thực dụng - Nền văn hóa ẩm thực” với sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực ẩm thực để chia sẻ về các vấn đề liên quan đến ẩm thực miền Trung như: các xu hướng phát triển ẩm thực sau Covid-19; những ẩm thực tiêu biểu ở miền Trung; các mô hình phát triển văn hóa ẩm thực mới; giải pháp kết nối mạng lưới kinh doanh và đầu tư… “Chúng tôi mong muốn bảo tồn và phát triển vị thế ẩm thực miền Trung lên tầm cao mới, phát triển môi trường kinh doanh ẩm thực theo tiêu chuẩn và tạo tiêu đề kết nối các doanh nghiệp, mở rộng mạng lưới thị trường cho ngành ẩm thực không chỉ ở trong nước mà ở cả thị trường quốc tế”, ông Lý Đình Quân chia sẻ.

Tháng 7 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cũng tổ chức chương trình trực tiếp trên internet “Măm măm Đà Nẵng” với sự tham gia của food blogger Helen Lê (chủ kênh Youtube Helen’s Recipe). Ngay trong chương trình trực tiếp đầu tiên (ngày 10-7) hướng dẫn cách làm món bánh xèo Đà Nẵng, chương trình đã có 35.500 lượt tiếp cận và 1.324 lượt xem trực tiếp; tổng lượt người xem trực tiếp và phát lại của chương trình là 18.940 lượt. Chương trình thứ 2 diễn ra ngày 17-7 và chương trình thứ 3 dự kiến diễn ra ngày 24-7, tuy nhiên do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đã tạm dừng.

Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, tất các các hoạt động đều ưu tiên công tác phòng, chống dịch thì du khách không thể đi du lịch và trải nghiệm, khám phá ẩm thực của các vùng miền. Vì thế, để gợi nhớ cho du khách về điểm đến Đà Nẵng, nhớ đến Đà Nẵng sau khi dịch bệnh hoàn toàn được khống chế, trung tâm đã kết hợp với các đơn vị để thực hiện các chương trình trực tuyến hướng dẫn làm một số món ẩm thực đặc trưng của Đà Nẵng như mì Quảng, bánh xèo, bún chả cá…

Trước đó, để phục vụ hoạt động quảng bá du lịch Đà Nẵng, trung tâm cũng thường xuyên xây dựng các video ngắn giới thiệu về ẩm thực đặc trưng của thành phố, đưa ẩm thực đến gần hơn với du khách. “Du khách đi du lịch Đà Nẵng ngoài thưởng thức các món hải sản cũng có thể trải nghiệm những món ăn rất đặc trưng, phổ biến của người dân địa phương, hiểu thêm về văn hóa, con người nơi đây, từ đó thêm yêu mến và có thể quay trở lại nhiều lần hơn nữa”, bà Hương Lan cho hay.

SONG KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.