Kích cầu du lịch "hậu Covid-19": Đâu chỉ là giải pháp giảm giá?

.

Hiện tại, Covid-19 đã dần được kiểm soát, mọi hoạt động xã hội sẽ lại trở về trạng thái bình thường mới. Như nhiều ngành khác, du lịch - ngành “công nghiệp không khói” cần có những hoạch định cho tương lai. Kích cầu du lịch đang là suy nghĩ của những người trong ngành nhưng cũng có nhiều người nghĩ rằng kích cầu du lịch chỉ đơn thuần là giảm giá tour, giảm giá dịch vụ. Điều này đúng, vì như vậy mới kích được “cầu” những khách hàng của ngành du lịch. Song, để kích cầu du lịch, việc giảm giá, miễn phí ở những địa điểm tham quan, du lịch do Nhà nước quản lý là chưa đủ.

Giải pháp đầu tiên là chính sách. Tháng 9-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Thủ tướng Chính phủ 4 nhóm giải pháp để phục hồi du lịch, bao gồm: nhóm giải pháp về thuế, phí, giá; nhóm giải pháp về tài khóa, tiền tệ; nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động; giải pháp xây dựng bản đồ số. Những vấn đề cụ thể trong các nhóm giải pháp này đã được Chính phủ ghi nhận và triển khai. Nhưng đến cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021, đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư đã làm gián đoạn việc thực hiện các nhóm giải pháp.

Do đó, thời gian tới cần phải đẩy nhanh thực hiện lại các giải pháp nêu trên. Cụ thể, điều chỉnh giá điện cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch cho phù hợp; giảm thuế VAT trong năm 2021, 2022; cho phép kéo dài thời gian đóng phí bảo hiểm xã hội, không tính lãi phạt nộp chậm nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế để người lao động vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế; có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng; cơ cấu lại các khoản nợ vay, giãn thời gian trả nợ vay, không tính lãi vay quá hạn; xây dựng ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn trên bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn…

Thứ hai, cần giảm giá ở khu vực tư nhân. Vấn đề này chắc chắn không thể giải quyết được bằng các biện pháp can thiệp từ Nhà nước. Các ngành dịch vụ phục vụ cho du lịch như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, trung tâm mua sắm, địa điểm nghỉ dưỡng, điểm tham quan… đều phải đồng bộ giảm giá. Để đạt được điều này ở tất cả các dịch vụ, phải có sự tham gia điều phối của các ngành du lịch, công thương… và nhất là các hiệp hội ngành nghề. Vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước là phải tổ chức thành công, đạt sự đồng thuận giảm giá trong từng ngành nghề liên quan đến du lịch.

Trong các cuộc “đàm phán” như vậy, các hiệp hội, doanh nghiệp lớn giữ vai trò đầu tàu trong từng lĩnh vực phải có sự thống nhất chung đối với việc giảm giá; đồng thời phải sẵn sàng có chế tài đối với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực nhưng không tuân thủ, chỉ biết lợi ích riêng mà không vì cái chung.

Thứ ba, “giảm giá” không đồng nghĩa với giảm chất lượng dịch vụ. Hơn ai hết, ngành du lịch luôn biết vấn đề giữ uy tín, bảo đảm quyền lợi của khách hàng, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết trong việc tồn tại và phát triển. Thực tế đã có việc “chặt chém”, giảm chất lượng dịch vụ trong mọi khâu của ngành du lịch. Cách làm ăn “chụp giật” của một vài cá nhân, doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến toàn cục và hậu quả lớn nhất là du khách sẽ quay lưng, tẩy chay.

Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp căn cơ, lâu dài, nhưng thiết nghĩ trước hết các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm thế nào để đạt được sự đồng thuận cam kết từ các doanh nghiệp lớn, “đầu tàu” trong lĩnh vực du lịch, là mặc dù giảm giá nhưng vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí nâng cao hơn chất lượng dịch vụ, từ đó lan tỏa ra các doanh nghiệp trong hiệp hội ngành nghề. Bên cạnh đó, phải có chế tài nghiêm đối với các doanh nghiệp làm ăn gian dối, cương quyết loại các doanh nghiệp này ra khỏi “cuộc chơi”.

Hy vọng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch từ Nhà nước cho đến khu vực tư nhân, ngành du lịch Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, sẽ khởi sắc và phát triển thời hậu Covid-19.

MÃ SIM

;
;
.
.
.
.
.