Nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội

.

Thời gian qua, một số người có nhu cầu mua nhà ở xã hội vẫn chưa nắm bắt rõ các quy định của pháp luật để lập hồ sơ xét duyệt mua nhà ở. Theo Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1-4-2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.

Tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được quy định cụ thể như sau: Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố cho từng loại sản phẩm thì việc lựa chọn căn hộ được thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố cho từng loại sản phẩm thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức bốc thăm do chủ đầu tư tổ chức, có đại diện Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án được phê duyệt tham gia giám sát. Việc bốc thăm phải có biên bản kết quả bốc thăm.

Trường hợp dự án có đối tượng bảo đảm quy định tại Điều 22 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP này là người có công với cách mạng hoặc người khuyết tật thì được ưu tiên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà không phải bốc thăm với tỷ lệ nhất định. Số lượng căn hộ (căn nhà) dành cho các đối tượng ưu tiên này (không thông qua bốc thăm) được xác định bằng tỷ lệ giữa tổng số hồ sơ của 2 nhóm đối tượng ưu tiên này trên tổng số hồ sơ đăng ký nhân với tổng số căn hộ (căn nhà) nhà ở xã hội của dự án.

Danh sách của nhóm đối tượng ưu tiên được sắp xếp thứ tự theo thời điểm nộp hồ sơ. Các căn hộ dành cho các đối tượng ưu tiên được bố trí theo thứ tự của danh sách ưu tiên cho đến khi hết, các đối tượng còn lại được tiếp tục tham gia bốc thăm.

Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân thì có thể đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại dự án do các thành phần kinh tế đầu tư hoặc dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai thực hiện nhưng phải bảo đảm nguyên tắc mỗi đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở chỉ được hỗ trợ giải quyết một lần.

Tại thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố đã có Công văn số 3615/UBND-SXD hướng dẫn thực hiện Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1-4-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, phường, xã; các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành; các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở, bán, thuê, thuê mua nhà ở, quản lý vận hành nhà ở trên địa bàn thành phố nghiên cứu, phổ biến và thực hiện đúng quy định của Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó lưu ý, việc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (theo Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ) được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư; bổ sung nội dung lấy ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở.

Đối với quy định về Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (theo Khoản 4 và Khoản 5, Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ), dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại 1 hoặc từ 5ha trở lên tại các đô thị loại 2 và loại 3 phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích