Tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ hàng nông sản, phục hồi sản xuất

.

ĐNO - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống Covid-19 diễn ra sáng 13-9 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn tham gia tại điểm cầu Đà Nẵng.

Quang cảnh tại điểm cầu Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chủ trì. Ảnh: THU HÀ
Quang cảnh tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước khoảng 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%; xuất siêu nông sản đạt khoảng 3,35 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021 nhưng dịch bệnh bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía nam nên việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản bị ảnh hưởng.

Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương đã bàn các giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng phó kịp thời trước tác động của Covid-19, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông sản…

Tại Đà Nẵng, thủy sản là sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu của thành phố, giá trị xuất khẩu trung bình 200 triệu USD/năm, chiếm tỷ trọng 12-15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố với trên 30 doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất thời gian qua gặp một số khó khăn, tình trạng thiếu vỏ container và giá cước vận chuyển tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao việc các bộ, ngành đã chủ động phối hợp, xây dựng báo cáo, phân tích rõ các kết quả đã đạt được cũng như khó khăn của người dân, địa phương trong thời gian phòng, chống dịch vừa qua và gợi mở các biện pháp trong thời gian tới.

Các ý kiến tại hội nghị rất thiết thực, vì vậy, Chính phủ lắng nghe và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, bộ, ngành đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, đạt được kết quả, từng bước ngăn chặn được dịch bệnh, duy trì trong điều kiện phù hợp để bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế thiệt hại thấp nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, dịch bệnh khiến cho việc huy động công nhân, sản xuất, hàng hóa lưu thông đầu vào và đầu ra đều bị chậm lại; thu hoạch, tái đàn, hiệu quả tiêu thụ sản phẩm cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, cần có những giải pháp thích hợp, sớm ngăn chặn dịch bệnh; ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch. Các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các thủ tục, giấy phép, các quy định sang tải mà kiểm tra chặt chẽ điểm đến, điểm đi của các lái xe; bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua lưu thông hàng hóa.

UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các cuộc họp với doanh nghiệp; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng phương án phục hồi sản xuất; phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch rà xóa tổng thể khi tái đàn, tái sản xuất.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch, bảo đảm phục hồi trở lại cho tái sản xuất theo đúng chỉ tiêu đã giao của Trung ương. Các bộ, ngành chỉ đạo các địa phương đôn đốc gieo trồng đúng tiến độ, bảo đảm hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán âm lịch, có kế hoạch phối hợp với các địa phương khác để tiêu thụ hàng hóa trong nội địa…

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.