Kinh tế

Thúc đẩy đầu tư dự án xây dựng tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang

13:31, 09/09/2021 (GMT+7)

Ngày 1-9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có Quyết định số 1613/QĐ-BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến luồng vào khu bến sẽ đáp ứng cho tàu có trọng tải lên đến 10.000 tấn.

Việc đầu tư xây dựng tuyến luồng hàng hải vào khu bến cảng Thọ Quang được đánh giá là rất cấp thiết nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác của các bến cảng đã được đầu tư tại khu vực. Trong ảnh: Một góc tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang. Ảnh: THÀNH LÂN
Việc đầu tư xây dựng tuyến luồng hàng hải vào khu bến cảng Thọ Quang được đánh giá là rất cấp thiết nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác của các bến cảng đã được đầu tư tại khu vực. TRONG ẢNH: Một góc tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, dự án xây dựng công trình tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang được đầu tư phục vụ nhu cầu khai thác của khu bến cảng Thọ Quang và các cảng, nhà máy đóng tàu đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 10.000 tấn (DWT) hàng hải (tùy từng đoạn luồng), nâng cao năng lực phục vụ chung cho toàn bộ tuyến luồng hàng hải tại Đà Nẵng.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 87,7 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021-2025. Thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Dự án có tổng chiều dài hơn 2,9km, gồm hai đoạn luồng chính được cải tạo, nâng cấp. Trong đó, đoạn từ phao số 1 đến hết vũng quay cảng Sơn Trà dài hơn 1,57km; bề rộng luồng 85m; cao trình đáy luồng -8,1m (hải đồ) cho tàu trọng tải 7.000 - 10.000 DWT đầy tải hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải).

Đoạn từ vũng quay cảng Sơn Trà đến Nhà máy đóng tàu Sông Thu dài 1,35km; bề rộng luồng 65m; cao trình đáy luồng -5,6m (hải đồ) đáp ứng cho tàu 3.000 DWT đầy tải, tàu quân sự đóng mới 4.100 DWT hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải), tàu 8.000 DWT không tải với tổng khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 705.000m3.

Trước đó, vào tháng 5-2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến luồng hàng hải Thọ Quang dẫn vào cảng Sơn Trà, bảo đảm cho tàu 10.000 DWT đầy tải hành thủy theo đúng kế hoạch, quy hoạch đã được phê duyệt. Cũng theo PVN, việc tuyến luồng hàng hải Thọ Quang dẫn vào cảng Sơn Trà hiện chỉ tiếp nhận được tàu 3.000 DWT đã ảnh hướng rất lớn tới hoạt động dịch vụ dầu khí của PVN tại khu vực Trung Trung Bộ.

Vì vậy, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng hằng năm chỉ đạt chưa đến 50% công suất thiết kế, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và hiệu quả đầu tư của cảng. Ngoài ra, việc nâng cấp tuyến luồng hàng hải Thọ Quang đang rất cấp thiết đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng Sơn Trà, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu dầu khí nước ngoài nói chung và nhà thầu của Việt Nam nói riêng khai thác cảng được thuận lợi, an toàn và tối ưu chi phí.

Để kịp thời triển khai dự án, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) hàng hải tiếp thu các ý kiến trong báo cáo thẩm định và tổ chức triển khai các bước tiếp theo bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu và các quy định liên quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn dự án.

Trước đó, tại Tờ trình số 286/TTr-BQLDAHH ngày 30-6-2020 gửi Bộ GTVT, Ban QLDA hàng hải cho biết, theo thông báo hàng hải, tuyến luồng dẫn vào khu bến cảng Thọ Quang hiện vẫn sử dụng độ cao tự nhiên với độ sâu đạt từ -2,7m đến -4,5m (tùy từng đoạn). Điển hình, một số điểm ở biên luồng gần với khu nước cảng tổng hợp Sơn Trà có điểm chỉ đạt độ sâu -2,7m kết hợp với thủy triều có mức chênh không nhiều tại khu vực hàng hải Đà Nẵng chỉ đáp ứng được cho tàu đến 1.000 DWT ra, vào cảng.

Trong khi đó, cảng Sơn Trà được thiết kế với năng lực đón tàu 10.000 DWT đầy tải, 20.000 tấn giảm tải. Khi các cảng đi vào hoạt động với cỡ tàu phổ biến 5.000 - 10.000 DWT dù lợi dụng thủy triều, tuyến luồng vẫn không thể bảo đảm độ sâu. Vì vậy, việc dự án xây dựng công trình tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang là rất cần thiết nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng luồng tàu đáp ứng cho nhu cầu, hiệu quả khai thác của các bến cảng đã được đầu tư tại khu vực.

THÀNH LÂN

.