Kinh tế

Bảo đảm các điều kiện đón khách quốc tế an toàn

08:02, 25/10/2021 (GMT+7)

UBND thành phố Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép Đà Nẵng được đón khách quốc tế trong tháng 11 tới. Ngành du lịch thành phố cũng đã xây dựng lộ trình tổ chức đón khách quốc tế đến Đà Nẵng trên cơ sở bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm từng bước phục hồi và phát triển ngành du lịch.

Ngành du lịch xây dựng lộ trình tổ chức đón khách quốc tế bảo đảm an toàn. Trong ảnh: Khách đến Đà Nẵng từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tháng 3-2021.  Ảnh: NHẬT HẠ
Ngành du lịch xây dựng lộ trình tổ chức đón khách quốc tế bảo đảm an toàn. TRONG ẢNH: Khách đến Đà Nẵng từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tháng 3-2021. Ảnh: NHẬT HẠ

Lộ trình đón khách quốc tế qua 2 giai đoạn

Việc tổ chức thí điểm đón và phục vụ khách quốc tế trong trạng thái bình thường mới giúp địa phương đánh giá được mức độ nguy cơ dịch bệnh khi mở cửa du lịch trở lại, làm cơ sở cho quyết định lâu dài của Chính phủ. Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, sở đã xây dựng lộ trình và hình thức đón và phục vụ khách quốc tế dự kiến gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là từ tháng 11-2021 đến khi Chính phủ cho phép khôi phục đường bay quốc tế; giai đoạn 2 là từ khi Chính phủ cho phép khôi phục lại các đường bay quốc tế kèm các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ, thành phố.

Ở giai đoạn 1, thành phố chủ yếu đón khách quốc tế và Việt kiều đi theo mục đích thương mại, công vụ, hồi hương, thăm thân... Dòng khách này sau khi nhập cảnh vào Đà Nẵng sẽ thực hiện cách ly tập trung 7 ngày (theo quy định của Bộ Y tế) tại các khách sạn được thiết lập làm cơ sở cách ly có thu phí do thành phố ra quyết định thiết lập, sau đó tự cách ly tại nhà 7 ngày. Khách nhập cảnh theo quy định về xuất nhập cảnh hiện nay và do doanh nghiệp (bao gồm công ty lữ hành quốc tế) chịu trách nhiệm bảo lãnh và quản lý khách; dự kiến, có khoảng 10.000 - 20.000 lượt khách.

Với dòng khách quốc tế đi du lịch theo tour/combo trọn gói khép kín tham quan, du lịch Đà Nẵng, Hội An (nếu có), khách nhập cảnh theo quy định xuất nhập cảnh hiện nay và do các công ty lữ hành quốc tế bảo lãnh, quản lý. Tour/combo trọn gói có thể là: tour nghỉ dưỡng, tour nghỉ dưỡng - chơi golf, tour nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí (tại các khu, điểm du lịch như: Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, phố cổ Hội An...).

Khách quốc tế đến Đà Nẵng với hành trình khép kín theo chương trình tour 3-5 ngày hoặc 7 ngày trở lên. Các cơ sở dịch vụ du lịch tham gia phục vụ tour/combo trọn gói phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, điều kiện cơ sở vật chất, nhân viên... và được thành phố xét chọn tham gia. Dòng khách này dự kiến có khoảng 15.000 - 20.000 lượt khách.

Ngành du lịch thành phố đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để đón du khách quay trở lại. TRONG ẢNH: Khách làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn Altara Suites Đà Nẵng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). (Ảnh chụp tháng 4-2021) 							                            Ảnh: Q.H
Ngành du lịch thành phố đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để đón du khách quay trở lại. TRONG ẢNH: Khách làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn Altara Suites Đà Nẵng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Q.H

Cần đạt điều kiện cần và đủ để được đón khách

Phương án do Sở Du lịch xây dựng để đón và phục vụ khách quốc tế đến Đà Nẵng có đưa ra các điều kiện cần và đủ để đón khách. Trong đó, đối với Chính phủ, phải đạt được thỏa thuận về hộ chiếu vắc-xin với các thị trường khách, cho phép Đà Nẵng phối hợp với tỉnh Quảng Nam được thí điểm triển khai phương án với mô hình tour trọn gói theo hành trình khép kín tại một số điểm được chọn như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng... Khách chỉ tiếp xúc với người lao động du lịch phục vụ tại cơ sở đủ điều kiện phục vụ được cấp phép.

Đối với Đà Nẵng, cấp độ dịch bệnh khi thực hiện hoạt động du lịch sẽ thực hiện theo Bộ tiêu chí hướng dẫn tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát”, tùy theo cấp độ nguy cơ thấp (cấp độ 1, bình thường mới), nguy cơ trung bình (cấp độ 2). Khi thành phố chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang mức độ cao hơn thì phải thông báo cho doanh nghiệp du lịch và khách biết trước 72 giờ để doanh nghiệp và khách có thời gian chuẩn bị các thủ tục.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, để đạt tiêu chuẩn phục vụ khách, ngoài việc xét duyệt cơ sở lưu trú thiết lập là cơ sở cách ly tập trung có thu phí, đối với cơ sở được chọn đón khách, người lao động phải được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Với khách quốc tế đến Đà Nẵng trong giai đoạn thí điểm phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin (liều cuối trước 14 ngày nhập cảnh và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh, có giấy chứng nhận tiêm chủng). Đối với khách có hộ chiếu vắc-xin nhập cảnh Việt Nam còn hiệu lực, không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh...; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận; phải khai báo y tế qua các ứng dụng của thành phố. Với doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch tham gia đón khách phải bảo đảm 6 điều kiện hoạt động trở lại để đón khách gồm: điều kiện với người lao động làm việc tại đơn vị, bảo đảm phòng, chống dịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, các chuyến bay, trách nhiệm liên quan...

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, mối quan tâm hiện nay của các doanh nghiệp du lịch là cần tiêm đủ số mũi vắc-xin cho những người làm trong lĩnh vực du lịch. Nếu không chuẩn bị trước yếu tố lao động thì khi có khách sẽ không đủ nhân lực phục vụ trong ngành. Theo ông Văn Thái Ngọc Long, Trưởng phòng Marketing và Truyền thông, khách sạn Altara Suites Đà Nẵng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), điều quan trọng hiện nay là cần bảo đảm phủ vắc-xin cho toàn bộ nhân viên ngành du lịch và các ngành liên quan như: vận tải và dịch vụ ăn uống, mua sắm. Đồng thời, cần có các chương trình đào tạo để duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp cho người lao động để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp ngành du lịch cần xây dựng các tour du lịch trọn gói/gói nghỉ dưỡng khép kín an toàn tại một số điểm được chọn như: khách sạn, khu nghỉ dưỡng hay khu vui chơi giải trí đủ điều kiện phục vụ khách an toàn. Qua đó, bảo đảm thời gian, lịch trình di chuyển từ lúc khách đến, nghỉ dưỡng và trở về đúng như chương trình tour khép kín đã xây dựng ban đầu để bảo đảm phòng, chống dịch.

Là địa phương có số lượng khách sạn nhiều trên địa bàn thành phố, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nhìn nhận, việc chọn các cơ sở lưu trú làm cơ sở cách ly phải kiểm tra kỹ công tác phòng, chống dịch. Việc kiểm tra nghiêm ngặt từ đầu để lựa chọn thiết lập cơ sở cách ly sẽ giúp thuận lợi hơn trong công tác quản lý, xử lý khi có vấn đề xảy ra.

Nhiều điểm du lịch mở cửa

Hiện nay, các khu, điểm du lịch do Nhà nước quản lý mới mở lại hoạt động đón khách như: Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (từ ngày 18-10), Bảo tàng Đà Nẵng (từ ngày 18-10), Bảo tàng Mỹ thuật (từ ngày 19-10), Bảo tàng Điêu khắc Chăm (từ ngày 20-10), Nhà Trưng bày Hoàng Sa (mở cửa tháng 11-2021).

Các khu, điểm du lịch tư nhân như Khu du lịch Sun World Ba Na Hills, Công viên Châu Á, Khu du lịch Hòa Phú Thành dự kiến mở cửa vào dịp Tết Nguyên đán (tháng 2-2022); Công viên nước Mikazuki dự kiến ngày 23-10 mở lại dịch vụ Onsen tầng 4, nâng cấp khu công viên nước đến cuối tháng 11-2021 đưa vào phục vụ lại; Khu du lịch Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Suối Lương dự kiến mở cửa đầu tháng 11-2021.

Hiện có khoảng 50% doanh nghiệp dự kiến mở cửa trong tháng 10-2021, 40% doanh nghiệp dự kiến mở cửa trong tháng 11 và 12-2021 (tùy tình hình), khoảng 10% dự kiến mở cửa trong năm 2022. Hiện chỉ có 200/1.200 đơn vị mở cửa lại đón khách khách từ ngày 30-9, chiếm khoảng 16%, trong đó chủ yếu là các cơ sở lưu trú nhỏ dưới 20 phòng, số lượng các khách sạn 3-5 sao mở lại khoảng 30 khách sạn, đa số là khách ở dài hạn từ trước dịch và khách đi công tác, công vụ...

Ngành du lịch đã xây dựng kế hoạch truyền thông du lịch trong tình hình bình thường mới gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến ngày 31-12-2021 với thông điệp truyền thông “Da Nang Now Open - Đà Nẵng trở lại” tập trung quảng bá sự mở cửa trở lại các hoạt động của thành phố Đà Nẵng nói chung và hoạt động du lịch nói riêng. Đẩy mạnh truyền thông chính sách, định hướng trong giai đoạn hiện nay, các dịch vụ, chương trình đặc sắc của thành phố, doanh nghiệp đến du lịch. Giai đoạn 2, dự kiến từ tháng 1-2022 với thông điệp “Enjoy Danang - Tận hưởng Đà Nẵng”, đẩy mạnh sự hiện diện của du lịch Đà Nẵng trên các kênh truyền thông; đẩy mạnh phối hợp liên kết, quảng bá, tổ chức các gói sản phẩm ưu đãi, sản phẩm mới...

THU HÀ

.