Các phương án đẩy nhanh tiến độ công trình đường Vành đai phía tây 2

.

Công trình đường Vành đai phía tây 2 có điểm đầu tại nút giao quốc lộ 14B (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đến nút giao đường tránh nam hầm Hải Vân (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đang triển khai thi công nhưng chưa bảo đảm tiến độ và thời gian hoàn thành dự án.

Công nhân đang thi công tại công trình đường Vành đai phía tây 2 tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Ảnh: TRIỆU TÙNG
Công nhân đang thi công tại công trình đường Vành đai phía tây 2 tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Ảnh: TRIỆU TÙNG

Khối lượng và tiến độ thi công đạt thấp

Công trình đường Vành đai phía tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 1894/QĐ-TTg ngày 28-11-2017 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 5-4-2019. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2022, với tổng mức đầu tư 61,37 triệu USD, trong đó vốn vay từ Quỹ OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) và UBND thành phố Đà Nẵng tham gia vốn đối ứng 16,37 triệu USD.

Dự án gồm 2 công trình là đường Vành đai phía tây 2 và công trình đường dẫn và cầu qua sông Cổ Cò (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Hiện phần công trình đường dẫn và cầu qua sông Cổ Cò đã cơ bản hoàn thành nhưng công trình đường Vành đai phía tây 2 về tiến độ thi công lẫn khối lượng thực hiện rất thấp, dù chỉ còn hơn 1 năm để hoàn thành dự án.

Cụ thể, trên tổng chiều dài công trình đường Vành đai phía tây 2 là 14,3km nhưng khi triển khai thi công từ tháng 12-2020 đến nay chỉ đạt 19,4% khối lượng. Công tác giải phóng mặt bằng để tổ chức thi công đạt 5,48/14,3km. Tình hình giải ngân vốn đầu tư cũng đạt thấp với 533 tỷ đồng (bằng 36%), trong đó giải ngân từ nguồn vốn đối ứng của UBND thành phố là 171/381 tỷ đồng, đạt 45%; giải ngân vốn ODA là 342/1.046 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 33%.

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Lê Thành Hưng cho biết, công trình đường Vành đai phía tây 2 gặp nhiều vướng mắc để nhà thầu triển khai thi công lẫn việc điều hành dự án. Vướng mắc chính hiện nay là khối lượng và giá trị kinh phí thực hiện đền bù giải tỏa trên toàn tuyến dài 14,3km đi qua nhiều khu dân cư, khu đô thị ước tính cần đến hơn 1.832 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù có bảo đảm kinh phí đền bù giải tỏa thì việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công đến 4 năm tới mới thực hiện xong. Trong khi đó, công trình chỉ còn quỹ thời gian hơn 1 năm để hoàn thành là không thể thực hiện được, bởi Hiệp định dự án ký kết vay vốn ODA từ Quỹ OPEC kết thúc vào ngày 31-12-2022.

5 phương án duy trì đầu tư dự án

Ông Lê Thành Hưng đề xuất với quỹ thời gian còn lại của dự án vào tháng 12-2022 chỉ bảo đảm cho việc hoàn thành 4,06km đoạn cuối tuyến đang thi công. Cụ thể là đoạn tuyến từ nút giao với tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân đến đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).

Ngoài công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng của đoạn cuối tuyến này thì thực hiện xử lý đầu tư bổ sung kinh phí từ ngân sách thành phố hơn 40 tỷ đồng để thanh toán khối lượng đất đắp nền đường 380.000m3. Mặt khác, công trình cũng cần thực hiện thanh toán phần khối lượng đã thi công và kinh phí đền bù giải tỏa ngoài đoạn cuối tuyến đang tổ chức thi công (đoạn tuyến từ nút giao với tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân đến đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh).

Theo ông Lê Thành Hưng, hiện đơn vị trình UBND thành phố và Thường trực Thành ủy chỉ đạo thực hiện công trình đường Vành đai phía tây 2 đối với đoạn tuyến còn lại từ đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh đến nút giao với quốc lộ 14B có chiều dài 10,24km. Riêng phần còn lại của tuyến đường Vành đai phía tây 2, từ đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh đến nút giao với quốc lộ 14B dài 10,24km ước cần thêm 2.473 tỷ đồng vốn đầu tư.

Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đề xuất 5 phương án thực hiện gồm: phương án 1 là đầu tư hoàn thiện đoạn cuối tuyến (đoạn giao với tuyến đường tránh nam hầm Hải Vân đến đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh) có chiều dài 4,06km đang tổ chức thi công. Để xử lý vướng mắc qua đầu tư thực hiện công trình đoạn tuyến còn lại dài 10,24km cần triển khai đầu tư theo 4 phương án, ngoại trừ phương án 1 nêu trên.

Cụ thể, mở rộng thực hiện phương án 1 để đầu tư công trình kéo dài đến đường Âu Cơ để kéo dài đoạn tuyến từ 4,06km lên 4,52km, thời gian thực hiện kéo dài lên đến tháng 9-2023. Phương án 3, nếu kéo dài đầu tư theo phương án 1 đến đường Nam Cao, nâng tổng chiều dài đoạn tuyến lên 7km khi thời gian thực hiện đến tháng 6-2024. Phương án 4, nếu tiếp tục thi công kéo dài đến đường Hoàng Văn Thái có chiều dài 8,57km thì tiến độ thi công kéo dài đến tháng 12-2024. Nếu giữ nguyên triển khai thực hiện công trình theo dự án đã được phê duyệt toàn tuyến ban đầu dài 14,3km thì cần kéo dài tiến độ thi công đến tháng 6-2026.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Trung, công trình đường Vành đai phía tây 2 rất quan trọng về hạ tầng giao thông đô thị của thành phố, bởi tuyến đường có tính kết nối các trục giao thông vành đai của thành phố, trong đó có tuyến đường Vành đai phía nam thông qua tuyến đường ĐT 605 theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do đó, thành phố cần huy động các nguồn lực đầu tư để triển khai công trình, hoàn thành mục tiêu của dự án là cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, dự án cải thiện tính kết nối và tiếp cận khu vực đô thị trung tâm từ các khu vực nông thôn phía tây và tây nam thành phố.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm cho rằng, công trình đường Vành đai phía tây 2 cần được điều chỉnh đầu tư và tổ chức thực hiện theo hướng điều chỉnh hướng tuyến, tận dụng khai thác chung hạ tầng giao thông hiện hữu để giảm bớt kinh phí đền bù giải tỏa. Việc xử lý vốn đầu tư đối với công trình cũng cần tính toán lại phù hợp với các quy định về kế hoạch đầu tư vốn trung hạn giai đoạn 2022-2025.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.