Hỗ trợ nguồn lực tài chính để kinh tế hợp tác xã chuyển đổi số

.

Hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng cần được hỗ trợ nguồn lực tài chính, bồi dưỡng nghiệp vụ để thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh.

Kinh tế hợp tác xã cần được hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là tiếp cận thương mại điện tử để bán sản phẩm. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã Mây tre An Khê, quận Thanh Khê. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Kinh tế hợp tác xã cần được hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là tiếp cận thương mại điện tử để bán sản phẩm. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã Mây tre An Khê, quận Thanh Khê. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, uớc tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 146 HTX, 2 liên hiệp HTX và 274 tổ hợp tác, trong đó 6 HTX mới thành lập trong 6 tháng đầu năm 2021 và 25 HTX ngưng hoạt động chưa hoàn thành thủ tục giải thể, còn lại 121 HTX đang hoạt động. Về vốn, vốn điều lệ của các HTX là 259,9 tỷ đồng, thu hút 9.420 thành viên, giải quyết việc làm cho 15.085 lao động, thu nhập bình quân đầu người của thành viên, người lao động khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi số, các HTX trên địa bàn gặp trở ngại về thể chế, chính sách như các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa có hướng dẫn thống nhất từ Trung ương, chưa có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Một số văn bản chưa theo kịp xu thế công nghệ mới, ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ 4.0; một số văn bản hiện hành của bộ, ngành Trung ương quy định chưa chia sẻ dữ liệu với ngành khác và địa phương (thống kê, bảo hiểm xã hội...) gây khó khăn trong việc chia sẻ, kế thừa, đồng bộ các cơ sở dữ liệu. Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về “Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước” ban hành ngày 9-4-2020, chưa có văn bản hướng dẫn, chưa phát huy hiệu quả áp dụng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế; đa số các HTX quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính và quản trị yếu, thiếu nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; chưa thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, lồng ghép nội dung chuyển đổi số để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế HTX chưa tiếp cận nhiều với xu hướng chuyển đổi số, chưa tiếp cận các kỹ năng số, đặc biệt là kỹ năng thương mại điện tử.

Theo Liên minh HTX thành phố, điểm dễ nhìn thấy trong việc triển khai chuyển đổi số đối với HTX là khó khăn về nguồn nhân lực bởi đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế tập thể, HTX chưa đồng đều, chưa thành thạo các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chưa thực hiện lồng ghép chuyển đổi số vào công tác quản trị, điều hành...; thiếu kỹ năng tiếp cận các nguồn thông tin, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Các HTX chưa lồng ghép chuyển đổi số vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước.

Hiện nay, số đơn vị HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị để cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Các HTX chưa đủ điều kiện, cơ sở vật chất để ứng dụng quản lý trên phần mềm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ khu vực HTX thực hiện chuyển đổi số nhằm hỗ trợ công tác bảo quản sản phẩm còn rất ít. Công tác đầu tư hạ tầng số, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành của khu vực kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế; kinh tế HTX thường xuyên khó khăn về nguồn lực tài chính.

Để thực hiện chuyển đổi số, các HTX phải bảo đảm điều kiện như cơ sở hạ tầng, vật chất thiết bị, nguồn kinh phí, nhân lực... Song thực tế, các HTX đang gặp khó trong việc đầu tư thiết bị máy móc, nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin, vì vậy, ở lĩnh vực nông nghiệp chỉ có một số ít HTX ứng dụng công nghệ thông tin quản lý (chủ yếu các HTX có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, bếp ăn tập thể).

Để kinh tế HTX tiếp cận và phát triển công nghệ số, Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến đối với Bộ Tài chính để nghiên cứu, rà soát các vướng mắc trong điều kiện cho các HTX vay vốn tại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để có hướng dẫn, xử lý cụ thể nhằm tạo điều kiện tiếp cận vốn vay. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý HTX về nội dung chuyển đổi số và các lớp học tập kinh nghiệm thực tế của các HTX đã thực hiện chuyển đổi số thành công.

Mặt khác, cần tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ thông qua chuyển đổi số để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các bộ, ngành liên quan phân bổ nguồn lực tài chính từ Trung ương để triển khai hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21-7-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.