Kinh tế

Mở lại vận tải khách liên tỉnh: Doanh nghiệp còn nghe ngóng

14:12, 14/10/2021 (GMT+7)

Từ ngày 13-10, hoạt động vận tải khách liên tỉnh chính thức hoạt động trở lại theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Theo đó, các địa phương căn cứ tình hình thực tế để triển khai thí điểm từ ngày 13 đến 20-10.

Qua ghi nhận của phóng viên, điều khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất là các địa phương có những quy định không giống nhau gây nhiều khó khăn khi doanh nghiệp vận tải hoạt động. Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến sáng 13-10, mới chỉ có 6 tỉnh, thành phố đồng ý khôi phục lại vận tải hành khách liên tỉnh. Thành phố Đà Nẵng, nơi được coi là trung tâm kết nối vận tải liên tỉnh khu vực phía miền Trung - Tây Nguyên lại chưa hoạt động trở lại vận tải hành khách liên tỉnh.

Cùng với đó, 14 Sở GTVT trong cả nước đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại các tuyến. Lãnh đạo Sở GTVT thành phố cho biết, sở đã trình kế hoạch thí điểm đối với các tuyến cố định liên tỉnh đi và đến Bến xe trung tâm thành phố. Theo đó, trước mắt hoạt động vận tải khách chỉ cho phép hoạt động với tần suất tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày thí điểm của đơn vị vận tải theo lưu lượng đã được công bố. Ngoài ra, các tuyến cố định đi và đến Bến xe phía nam thành phố tạm thời chưa hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nga, chủ doanh nghiệp vận tải thương mại và dịch vụ Trần Sơn, đơn vị chuyên khai thác tuyến Hiệp Đức (Quảng Nam) - Đà Nẵng cho hay, cả hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng chưa thấy có văn bản cho phép hoạt động lại tuyến vận tải khách liên tỉnh theo như hướng dẫn của Bộ GTVT. Còn ông Hồ Minh Ánh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Ánh Minh (Quảng Nam) cho biết, sau thời gian dài tạm dừng, doanh nghiệp rất mong ngóng để hoạt động trở lại và đã sẵn sàng về nhân lực và phương tiện cho lần trở lại này.

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là các địa phương có đồng nhất với nhau trong các quy định về phòng, chống dịch hay không. Trong khi đó, ông Đặng Đán, đại diện cho nhà xe Hoàng Gia cho rằng, hiện nhiều nhà xe thiếu lực lượng lái xe đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nên khó mở lại vận tải khách liên tỉnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp không mặn mà đưa xe hoạt động lại vì nhiều lý do như: khi hoạt động chỉ được đón khách 2 đầu bến; đón, dừng nghỉ tại các điểm dừng chỉ định... nên doanh nghiệp rất phân vân.

Tương tự, nhà xe Vạn Lục Tùng (chạy tuyến Đà Nẵng đi các tỉnh phía bắc) cho hay, đơn vị vẫn chưa thể đưa xe vào hoạt động do không có tài xế nào tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo quy định. Hơn nữa, dự báo lượng khách sẽ ít, thu không đủ chi khiến doanh nghiệp e dè. Cùng với đó, xe phải di chuyển qua rất nhiều tỉnh, thành phố. Nếu mỗi tỉnh thực hiện một kiểu thì rất khó cho doanh nghiệp.

Anh Lê Tấn Trung, một tài xế chạy dịch vụ ở quận Sơn Trà bày tỏ, nhiều người dân có nhu cầu cấp bách phải di chuyển nhưng không có xe, họ phải thuê phương tiện xe hợp đồng trá hình hoạt động chui... như nhiều trường hợp đã xảy ra với giá vé gấp 5-7 lần bình thường, lên đến 2-3 triệu đồng/người. Điều này, cho thấy nhu cầu đi lại của người dân là cấp thiết, vì vậy, thành phố cần sớm khôi phục lại vận tải khách liên tỉnh.

Cùng với hoạt động vận tải hành khách đường bộ, Đà Nẵng cũng đã mở cửa lại hoạt động đường hàng không, đường sắt. Bà Lê Thị Tuyến, Đội trưởng Đội khách vận (Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng) cho biết, từ 13-10, Ga Đà Nẵng đã mở cửa đón, trả khách theo đúng quy định và đã có một chuyến tàu dừng trả khách lúc 0 giờ 44 với vài chục hành khách xuống tàu. Hiện, ga Đà Nẵng đang áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của ngành, của thành phố và Bộ GTVT.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng (DIA), theo kế hoạch, mỗi ngày sân bay quốc tế Đà Nẵng đón 4 chuyến bay đến và 4 chuyến bay đi. DIA phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát dịch: “Chúng tôi đã đầu tư một phòng xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 ở trong sân bay với các đơn vị y tế đã được thành phố cấp phép để giúp hành khách lấy mẫu xét nghiệm trước chuyến bay. Đồng thời DIA cũng thiết lập các hệ thống phân luồng để phục vụ cho việc hướng dẫn di chuyển hành khách đi vào nhà ga, xử lý các công đoạn thủ tục trong nhà ga và đi ra khỏi nhà ga một cách nhanh chóng, bảo đảm an toàn”.

PHƯƠNG UYÊN

.